Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch
Các nước ASEAN cần triển khai ngay kế hoạch và có cách tiếp cận bình đẳng để mua, phân phối vắc xin cho người dân, ưu tiên phục hồi và duy trì phát triển kinh tế, xác lập vị thế của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đó là những sáng kiến, đề xuất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, theo thông tin vừa được Văn phòng Chính phủ phát ra sáng nay 25-4.
Là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi nhậm chức, theo lời mời của Chủ tịch ASEAN 2021, Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN cũng là hội nghị trực tiếp đầu tiên trong năm 2021, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng, tình hình tại Myanmar căng thẳng, phức tạp.
Trong hội nghị cũng như các cuộc họp song phương, Thủ tướng đã có các phát biểu quan trọng, đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp giúp ASEAN đoàn kết, nỗ lực vượt qua các thách thức đang nổi lên.
Nhanh chóng có cơ chế mua, phân phối vắc xin cho người dân
Cụ thể, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đối với việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cần triển khai ngay kế hoạch và có cách tiếp cận bình đẳng để mua và phân phối vắc xin cho người dân, đảm bảo nguồn cung đồng đều, ổn định.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực theo năng lực, điều kiện sẵn có. Đề xuất thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, trong đó Việt Nam đăng cai trung tâm, dành nguồn lực cao nhất có thể, dự kiến khoảng 50 triệu USD cho 5 năm đầu.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên phục hồi và duy trì phát triển kinh tế. Ưu tiên trọng tâm là hỗ trợ các vùng sâu vùng xa, các tiểu vùng trong ASEAN đang chịu tác động của dịch bệnh để phục hồi ổn định và thu hẹp khoảng cách. Đặc biệt, ASEAN cần xác lập vị trí cho các nền kinh tế của mình trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thu hút nhiều hơn nguồn vốn và đầu tư có hiệu quả.
Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục triển khai hiệu quả, xuyên suốt những công việc quan trọng được khởi động và thống nhất từ năm 2020, trong đó có xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN.
Xây dựng lòng tin, tránh hành động làm gia tăng căng thẳng
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Thủ tướng đề xuất ASEAN cần xem xét, xử lý cân bằng, hài hòa, hợp lý, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, xây dựng lòng tin, hợp tác với các đối tác.
Cụ thể, lòng tin cần phải được xây dựng trên cơ sở các bên tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình. Duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả.
Những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra cũng đã đóng góp tích cực cho hội nghị. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất hợp tác xây dựng cộng đồng trên cơ sở đề cao đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau, triển khai các sáng kiến ứng phó COVID-19, sử dụng Quỹ ASEAN để mua vắc xin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, các nhà lãnh đạo nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ đối thoại, hợp tác hiệu quả, thực chất, cân bằng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, đảm bảo phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ ủng hộ tích cực các đề xuất tăng cường quan hệ hợp tác bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Úc, Mỹ và Anh.
Vấn đề Myanmar: Tôn trọng công việc nội bộ, nhưng không bỏ rơi lúc khó khăn
Đối với tình hình Myanmar, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ASEAN và Việt Nam quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây. Thể hiện sự tôn trọng Hiến chương ASEAN, Việt Nam tôn trọng công việc nội bộ của Myanmar, song ủng hộ nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình này.
Theo đó, Việt Nam nhất trí và ủng hộ ASEAN cử đại diện tới Myanmar tìm hiểu tình hình thực tế, tiếp xúc với các bên, đề xuất giải pháp thúc đẩy đối thoại. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để Hội đồng Bảo an trao đổi khách quan, toàn diện, cân bằng, đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, tìm kiếm giải pháp phù hợp, khả thi, căn bản, thực chất cho Myanmar.
Đồng tình với quan điểm trên, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại khi tình hình Myanmar đang tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh mạng của người dân. Do đó, các nhà lãnh đạo yêu cầu các bên kiềm chế, chấm dứt sử dụng vũ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm giải pháp hòa giải, hòa bình, ổn định cho tương lai của Myanmar.
Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần phát huy vai trò và tận dụng các cơ chế sẵn có để hỗ trợ Myanmar, trên tinh thần đoàn kết ASEAN và không can thiệp vào công việc nội bộ, nhưng cũng không bỏ rơi Myanmar trong lúc khó khăn.
Cụ thể là cử đại diện của ASEAN tới Myanmar tìm hiểu tình hình, tiếp xúc với các bên liên quan, đề xuất cách thức, tìm kiếm biện pháp thúc đẩy đối thoại, hòa giải thực chất và bao trùm. ASEAN cũng thống nhất tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ nhân đạo giúp người dân Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).
Kết thúc, nước chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố chủ tịch về kết quả hội nghị, nêu quan điểm về các vấn đề quốc tế, khu vực, trong đó có 5 điểm ASEAN đã đồng thuận về vấn đề Myanmar: Yêu cầu chấm dứt bạo lực; tất cả các bên liên quan hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA.
Nhật Đăng