+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng Nhật không phải là “con rối” của tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Mai Anh - 01/05/2022 16:00

Trong niềm hân hoan của cả nước chào mừng kỷ niệm kỷ niệm 47 năm Ngày Thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/4-01/5/2022. Đây được coi là sự kiện quan trọng và ý nghĩa trong ngày Lễ của cả nước.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Ý nghĩa là bởi đây là dịp để hai đối tác chiến lược có cơ hội để tiếp tục hợp tác, buôn bán nhiều ngành nghề, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong các lĩnh vực. Thế nhưng, những kẻ “phá bĩnh” luôn biết lợi dụng những sự kiện quan trọng như này để “ra đòn” ly gián . Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có thể coi là đại diện điển hình, đơn cử là ngày 26/4/2022 vừa qua, văn phòng của tổ chức này tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã kêu gọi người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đưa vấn đề nhân quyền lên bàn nghị sự trong khi thực hiện chuyến công du tới Việt Nam tới đây. Lý do mà tổ chức này đưa ra để Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng đó là tình trạng gia tăng đàn áp nhắm vào những nhà hoạt động nhân quyền; chính quyền Việt Nam trong khoảng thời gian hơn một năm trở lại đây đã bắt, xét xử 51 người bao gồm những nhà hoạt động, nhà báo công dân và nhà bất đồng chính kiến.

Việc kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng về tình hình nhân quyền ở một nước khác đã nực cười, lý do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra còn nực cười hơn gấp nhiều lần. Bởi mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều thấy rằng mình được tự do như thế nào, nói vui với nhau thì có lẽ chỉ có người dân Việt Nam có thể đối chất với cơ quan chức năng, ví dụ như việc người tham gia giao thông khi bị kiểm tra phương tiện lại yêu cầu Cảnh sát giao thông xuất trình chuyên đề, chương trình, kế hoạch. Ở góc nhìn này chúng ta có thể thấy người dân Việt Nam “tự do” như thế nào.

Luận điệu xuyên tạc của Đài Châu Á tự do.

Nhân quyền tại Việt Nam là điều luôn được quan tâm, ngay từ khi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu tuyên ngôn độc lập với lý lẽ đanh thép về nhân quyền: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hiện thực hóa bản tuyên ngôn độc lập ấy, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người và được luật hóa. Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật. Những thành quả trong việc bảo đảm, tôn trọng quyền con người và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân được thể hiện trên mọi lĩnh vực, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh và đã được cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao. Nếu vi phạm nhân quyền, chắc chắn bạn bè quốc tế không thể tín nhiệm Việt Nam vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 – 2016), càng không thể tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu gần tuyệt đối (192/193 phiếu).

Toàn cảnh phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva.

Cho dù đã hết sức tạo điều kiện cho con người phát triển tự do, vẫn có những kẻ “tự do quá trớn”, không phân biệt được ranh giới của sự tự do và vi phạm pháp luật, hoặc núp bóng “dân chủ, nhân quyền” để thực hiện các hành vi phạm tội, có thể kể đến những cái tên nổi cộm như Phạm Thị Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Đoàn Quang Viên… Điểm chung của những đối tượng trên là đều lấy danh nghĩa “tự do báo chí, ngôn luận”, “dân chủ, nhân quyền” để làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng, Nhà nước hoặc nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Với những hành vi tày trời như vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng này là điều tất yếu, đúng người, đúng tội.

Thế nhưng, với ý đồ chống phá Việt Nam từ gần một thập kỷ, văn phòng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản vẫn kêu gọi Nhật Bản tạo sức ép với Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Kể cũng lạ, văn phòng tại Tokyo với nhiệm vụ là theo dõi nhân quyền ở Nhật Bản, thế nhưng lại can thiệp vào câu chuyện của Việt Nam, không rõ văn phòng này có tư cách gì để đánh giá, đồng thời đề nghị một chính quyền sở tại tạo sức ép với Việt Nam. Có thể thấy bản chất của lời kêu gọi này chỉ là lợi dụng sức ảnh hưởng, nền kinh tế của Nhật Bản để tạo sức ép với các nước đang hợp tác với Nhật, trong đó có Việt Nam. Chưa kể, người đại diện văn phòng này chắc gì đã được đặt chân đến Việt Nam mà chỉ biết đến nhân quyền Việt Nam thông qua sách, báo, những thông tin từ những tổ chức chống đối trong và ngoài nước.

Quốc hội Nhật thông qua nghị quyết chỉ trích Trung Quốc ngày 01/02/2022.

Chính quyền Nhật Bản cũng có chủ trương riêng, họ tự đánh giá được quốc gia, khu vực nào vi phạm nhân quyền và lên tiếng nếu cần thiết. Nếu nói quốc gia này từ trước đến nay vẫn tránh đề cập đến các vấn đề chính trị nhạy cảm bao gồm nhân quyền thì sự kiện Quốc hội Nhật Bản phê duyệt nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bày tỏ quan ngại tình hình Tân Cương và Hong Kong sẽ là một cái tát cho sự “xảo trá” của tổ chức Human Rights Watch.

Quả thực, chúng ta cần nhìn nhận lại tôn chỉ mục đích và tính khách quan của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Đây không phải là địa chỉ tin cậy để các quốc gia có thể tin tưởng về vấn đề nhân quyền, bởi trong quá khứ, tổ chức này đã không ít lần báo cáo “lạc điệu” với tình hình nhân quyền tại Việt Nam – thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mai Anh

Bài mới
Đọc nhiều