+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng nhấn mạnh: ‘Ông nào ghìm giá, không chịu xuất heo phải bị xử lý’

Thành Nhân - 23/12/2019 20:20

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải xử lý việc phao tin đồn nhảm về việc thiếu thịt heo, cần thiết nhập thêm để giảm giá xuống, khẳng định giá heo đang giảm và “ông nào ghìm giá, không chịu xuất heo phải bị xử lý”.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019, nhiệm vụ năm 2020 diễn ra chiều 23-12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi đã chủ động tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương và đạt hiệu quả tích cực.

Nhờ vậy, tuy thiệt hại hơn 342.000 tấn thịt heo nhưng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỉ quả), gia súc lớn tăng 4,2%…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019 và kế hoạch năm 2020 – Ảnh: CHÍ TUỆ

“Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, ta vẫn giữ được khoảng 25 triệu con heo, 109.000 con heo giống ông bà, cụ kỵ. Thực phẩm, nhất là các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng ta phải công bố thông tin này ra, để ai mà đưa ra giá lên thì mình chứng minh là còn heo rất nhiều, chứ không phải là không có heo.

Cần xử lý việc phao tin đồn nhảm về thiếu thịt heo vì không thiếu nhiều lắm đâu, cần thiết nhập vài nghìn tấn nữa để giảm giá xuống. Rất đáng mừng đến hôm nay, từ 90.000 đồng/kg heo hơi xuống còn 80.000 – 82.000 đồng/kg và tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ông nào ghìm giá, không chịu xuất heo phải bị xử lý” – Thủ tướng nhấn mạnh

Thủ tướng nhấn mạnh với 25 triệu con heo đang còn thì hiện nay chưa thiếu thịt heo, đủ cung ứng cho cả nước và sẵn sàng nhập 7.000 tấn thịt heo nữa.

“Lạm phát tâm lý rất quan trọng, tôi nói với báo chí rất nhiều lần, nếu như chúng ta cứ nói mãi thiếu heo thì tự nhiên lạm phát về tâm lý giá heo càng tăng cao” – Thủ tướng nhấn mạnh

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019 ngành nông nghiệp hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu, bao gồm kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỉ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỉ USD, tăng 19,3%.

Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%, do bệnh dịch tả heo châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành.

Theo đó, năm 2019, dịch tả heo châu Phi bùng phát tại 63 tỉnh thành đã làm 5,9 triệu con heo bị tiêu hủy với tổng trọng lượng 338.000 tấn.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tả heo châu Phi, đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỉ đồng để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.

Chiều 23/12/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Không quan tâm nông dân thì quan tâm ai

“Ngành nông nghiệp nước ta đóng góp ngân sách chưa phải lớn và giàu có nhưng đóng góp rất lớn vào đời sống người nông dân Việt Nam”, Thủ tướng cho biết, theo điều tra mới nhất, có trên 60% dân số là nông dân sống ở nông thôn. Do đó, nếu mất mùa, gặp dịch bệnh lớn thì khó khăn trong giải quyết đời sống người dân. Đây là lý do Thủ tướng đến dự hội nghị tổng kết đầu tiên là của Bộ NN&PTNT, một lĩnh vực Đảng, Nhà nước rất quan tâm. “Phi nông bất ổn, nông dân chịu nhiều hy sinh mất mát, chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai”, Thủ tướng chia sẻ.

Cùng với kết quả của ngành nông nghiệp, Thủ tướng điểm lại một số nét chính về thành tựu kinh tế – xã hội cả nước đầy ấn tượng trong năm 2019. Nông nghiệp Việt Nam khó khăn, vất vả nhất trong năm nay nhưng đã đạt nhiều mục tiêu xuất sắc nhất, Thủ tướng nhìn nhận. Trong những kết quả đó, Thủ tướng nhắc tới sự kiện gạo ST 25 của Việt Nam được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới”, nêu rõ, “chúng ta phải ủng hộ thị trường chính ngạch để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho mọi người dân, không thể làm theo kiểu cũ”. Buôn bán qua tiểu ngạch có thể nảy sinh nhiều vấn đề như tiêu cực, tham nhũng. Có nhiều tin vui về mở cửa thị trường cho nông sản Việt mà gần đây nhất, trong chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng, nước bạn đã chấp nhập sản phẩm thanh long của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVNẢnh: Thống Nhất – TTXVN

Không có chuyện thiếu thịt lợn

Đánh giá cao việc chủ động thực hiện quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng cho rằng, công tác này đạt hiệu quả rõ rệt, giảm tối đa thiệt hại và chúng ta đã giữ được 25 triệu con lợn, đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu, “chứ không có chuyện thiếu thịt lợn”. Hiện nay, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm. Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi từ vấn đề này.

Từ kết quả tích cực của ngành NN&PTNT, Thủ tướng tặng ngành 10 chữ: Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng và hiệu quả. Biểu dương nỗ lực của toàn ngành, Thủ tướng đánh giá cao cá nhân Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo sát sao, tác phong “miệng nói tay làm”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ cao, trong đó lao động thời vụ, nhàn rỗi là nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp.

Về mục tiêu nông nghiệp năm 2020 và các năm sau, Thủ tướng đồng ý với báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn để giải quyết vấn đề khó khăn cho đời sống, cho sản xuất, xuất nhập khẩu. Phải nắm được dự báo tình hình thời tiết, cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh, xu hướng bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… đang gia tăng. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, cao hơn năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tỉ lệ che phủ rừng mà Quốc hội đã giao là 42%, tỉ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.

Còn mục tiêu đến 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới. Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay, 35.000 HTX nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.

“Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao một số nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT như tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản, không để bị rút thẻ đỏ.

Cán bộ ngành nông nghiệp phải giỏi chuyên môn, tận tụy với bà con, cùng xắn quần lội ruộng, lội rừng rừng phòng, chống thiên tai. Tỉnh ủy, UBND phải tìm cho ra Giám đốc Sở Nông nghiệp giỏi, phải tập trung làm kế hoạch trung hạn ngành NN&PTNT 5 năm tới sát đúng, hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao mục tiêu cho ngành nông nghiệp đến năm 2025:

(1) Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3-3,5%.

(2) Có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới.

(3) Phấn đấu có 25 nghìn doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và nông nghiệp (gấp 2 lần hiện nay); 35 nghìn HTX nông nghiệp (gấp 2,3 lần hiện nay) để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

(4) Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần hiện nay.

(5) Hệ số che phủ rừng duy trì mức 42%, trong đó một nửa diện tích là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đảm bảo phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh thâm canh rừng kinh tế và ngành kinh tế lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD./.

Tieu Diem

Bài mới
Đọc nhiều