Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tự lực tự cường, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng
Nhấn mạnh tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa”, thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới, mở cửa.
Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN và là một trong số ít quốc gia, vùng lãnh thổ đạt mức tăng trưởng dương trên thế giới. Bức tranh kinh tế đã khởi sắc hơn ngay trong thời điểm khó khăn nhất, phần nào làm dịu đi những lo ngại trước đó về khả năng tăng trưởng GDP thấp kỷ lục 0,39% của quý II có thể vẫn chưa phải là mức đáy, nếu các hoạt động kinh tế không có chuyển mình rõ rệt trong quý III.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tới tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”. Với tinh thần đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt từ 2,5 đến 3%, dự kiến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 6,7%.
Theo các phân tích, nhìn lại các động lực của tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm, phải kể đến những lĩnh vực như xuất khẩu với kỷ lục xuất siêu đạt gần 17 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những động lực quan trọng với 303.000 tỷ đồng, bằng gần 60% kế hoạch năm và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tỷ lệ và mức tăng cao nhất trong 5 năm qua, tạo sự hỗ trợ, lan tỏa cho nhiều khu vực kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Một khu vực cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2020 là nông nghiệp. Mặc dù chịu tác động kép do khó khăn đầu ra xuất khẩu, thiên tai khắc nghiệt, nhưng ngành nông nghiệp đã có sự phục hồi tích cực, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung, cao hơn mức đóng góp 4% của cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý III, GDP của toàn ngành đạt mức tăng trưởng 2,93%, cao hơn quý I và II.
Đạt được những thành tích đó nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, đúng hướng của Chính phủ trong từng tình huống, thời điểm, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy.
Từ sự sốt ruột lúc giữa năm
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hồi giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sốt ruột khi tăng trưởng quý II chỉ đạt mức 0,39%, thậm chí một số địa phương trong cả nước có tăng trưởng âm trong nửa đầu năm. Ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Sau đó, từ cuối tháng 7, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, với các hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công và các Ðoàn công tác của Chính phủ. Thủ tướng khẳng định, “địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động, địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”. Ngày cuối cùng của tháng 9, Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng đồng loạt dự lễ khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương.
Với ngành nông nghiệp, Người đứng đầu Chính phủ đánh giá là đạt thắng lợi toàn diện, phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và trong các chỉ đạo, điều hành, ông đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực này. Chỉ trong vài ngày cuối tháng 9, khi dịch bệnh COVID-19 ở nước ta được kiểm soát trở lại, ông thăm các mô hình nông nghiệp ứng phó hạn mặn hiệu quả tại ĐBSCL, đối thoại với nông dân tại Tây Nguyên và chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển cây mắc ca… Trước đó, ông đã chỉ đạo kịp thời chuyển đổi thời vụ trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và đây là lý do quan trọng để nông nghiệp đạt kết quả tích cực, “được mùa được giá”.
Với các địa phương, Thủ tướng tiếp tục đặt ra những bài toán phát triển với khát vọng cao hơn, mục tiêu lớn hơn. Ông nhiều lần đề nghị TPHCM cần phấn đấu tăng trưởng gấp 1,3 lần mức chung của cả nước. Gần đây nhất, với Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu những tháng cuối năm, Thành phố phát động phong trào thi đua để đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 đến 1,4 lần so bình quân chung.
Liên tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng cũng lần đầu phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân…
“Những nỗ lực và kết quả đó tạo thêm niềm tin cho nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công của Đại hội Đảng tại nhiều tỉnh, thành phố, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Với từng vấn đề vướng mắc, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020.
Tổng cục Thống kê đánh giá, kinh tế Việt Nam sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2020 và có khả năng bật dậy từ năm 2021 với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% đến 6,7% nhờ sức khỏe nền tài chính tốt thông qua các chỉ số nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay, dự trữ ngoại hối đều được cải thiện những năm gần đây.
Không chỉ có vậy, theo các chuyên gia, với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng.
Trong thời gian tới, những khó khăn, thách thức vẫn còn hiện hữu như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến “bong bóng” tài chính cũng như ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm…, hơn lúc nào hết đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.
Một mặt, phải nỗ lực duy trì cho được và giữ vững các thành quả vững chắc đã đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh; mặt khác, cần không ngừng tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực; trong đó tiếp tục có biện pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đó cũng là yêu cầu của Trung ương và Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.
Hà Chính/VGP