Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Tôi nhận nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm’
Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc cấp dưới nhũng nhiễu và phải chấm dứt tình trạng công quyền, hù dọa doanh nghiệp – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh.
Để Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp vào năm sau, tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp 2019 với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” hôm 23-12, nhiều doanh nhân đã kiến nghị Chính phủ cần giảm thuế, hỗ trợ thị trường để phát triển sản phẩm, tạo điều kiện tiếp cận vốn…
Thuế thu nhập doanh nghiệp siêu nhỏ giảm còn 15%
Cụ thể, ông Nguyễn Việt Quang, tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, mong muốn được hỗ trợ thuế, phí, đặc biệt là thuế đối với ôtô động cơ điện trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành ôtô. Bên cạnh đó, Chính phủ có hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích cả nhà sản xuất, người tiêu dùng, chính sách xanh sử dụng động cơ điện.
Ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, thể chế phải được đổi mới hơn để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.
Riêng đối với hộ kinh doanh, về lâu dài Chính phủ cần nghiên cứu khung pháp lý cho đối tượng này. Chính sách không ép hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp mà cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
“Chính phủ cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, Chính phủ cũng nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 17% xuống còn 15%” – ông Thân kiến nghị.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright, nhận định vẫn còn những sở ngành bàng quan, vô cảm, chưa xem khó khăn của doanh nghiệp là trách nhiệm của chính họ. Do đó đây là điểm cần được quan tâm, tập trung cải thiện trong thời gian tới.
Đồng tình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng theo công bố mới nhất của Phòng Thương mại và công nghiệp VN, 55% doanh nghiệp vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công chức. Trong đó, có 1 bộ phận doanh nghiệp phải bôi trơn lớn, chiếm tới 10% tổng doanh thu.
Đặc biệt nhấn mạnh đến việc thanh kiểm tra, Phó thủ tướng nói theo chỉ đạo cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trùng lắp. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp hằng năm bị thanh tra, kiểm tra vẫn còn rất lớn, chiếm tới 1/3. Khảo sát năm 2019 cũng chỉ ra vẫn còn 19% số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên.
Chấm dứt tình trạng hù dọa doanh nghiệp
Hoan nghênh những ý kiến trái chiều, phản biện được nêu ra, trong phần kết luận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về số lượng và quy mô, làm tiền đề cho địa phương và cấp ngành thúc đẩy doanh nghiệp.
“Tôi nhận được nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc này. Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa doanh nghiệp và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp phải nằm trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ trong phát triển doanh nghiệp.
Các bộ, ngành địa phương cần xây dựng chương trình hành động, thực hiện cam kết cho giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Kế hoạch và đầu tư làm đầu mối triển khai, trong đó tập trung vào hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng trung tâm triển lãm, thúc đẩy phát triển sản phẩm…
N.AN – L.THANH/TTO