Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sớm ban hành cơ chế ‘hộ chiếu vaccine’
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba, Thủ tướng đề nghị các ngành y tế, du lịch, ngoại giao sớm nghiên cứu ban hành cơ chế “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Chiều 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2021 và cho ý kiến về một số vấn đề cơ chế, chính sách đối với một số dự án hạ tầng quan trọng tại một số địa phương, vùng, miền trong cả nước. Đây được xem là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn của các thành viên Chính phủ khóa 2016-2021.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn nhân sự các thành viên Chính phủ. Đánh giá tình hình 3 tháng đầu năm 2021, Thủ tướng cho rằng kinh tế-xã hội phát triển tích cực so với cùng kỳ, nhiều chỉ số tiếp tục tăng trưởng, không khí sản xuất, kinh doanh tốt hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiềm chế.
Cụ thể, GDP đạt 4,8%, cỗ xe tam mã của nền kinh tế bao gồm: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. với 30.000 doanh nghiệp, tăng khoảng 28%, nhất là doanh nghiệp chế tạo, chế biến. Vốn đầu tư xã hội tăng hơn 30% (72 tỷ USD). Thu ngân sách quý 1 tăng trên 30,1%, góp phần quan trọng cân đối thu chi. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, xuất siêu trên 2 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27%, bình quân quý 1 là 0,29% thấp nhất trong vòng 2 năm qua, tạo dư địa tốt cho phát triển các mặt hàng sản phẩm.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, mạnh mẽ hoàn thành tốt mục tiêu kép, ngăn chặn hiệu quả, không để lây lan trên diện rộng.
Thủ tướng khẳng định tập thể Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã đoàn kết, đồng lòng, phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng đưa đất nước tiến lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt. Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn, ách tắc về thể chế, chính sách pháp luật. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được tăng cường, GDP tăng trưởng liên tục. Kỷ luật, kỷ cương Nhà nước được tăng cường; thu ngân sách, an ninh, an toàn của người dân được đảm bảo.
Đặc biệt, không gian, cơ hội phát triển lớn đã được mở ra trên nhiều lĩnh vực thông qua các hội nghị song phương và đa phương, thành tựu ngoại giao của đất nước được khẳng định, uy tín quốc tế của Việt Nam được tăng lên. Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện. Ba đột phá chiến lược được triển khai mạnh mẽ. Công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng, đặc biệt là Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long.
Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Về một số nhiệm vụ đặt ra, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong từng bộ, từng ngành, địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phòng, chống COVID-19; đẩy mạnh thương mại đầu tư song song với chú ý phòng, chống dịch bệnh xâm nhập.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng cần tiếp tục chi viện lực lượng làm nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, đường biên, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống nhập cảnh trái phép tại các khu vực cửa khẩu, biên giới để đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 xâm nhập từ nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường đảm bảo kỷ cương, kỷ luật ngành tài chính; tiết kiệm hơn nữa trong chi ngân sách. Ngành ngân hàng kiểm soát tốt hơn nữa lạm phát, hạn chế nợ xấu Thủ tướng đề nghị sớm tổ chức hội nghị đôn đốc triển khai đầu tư công; nỗ lực giảm chi phí sản xuất, đầu tư để tạo ưu thế cạnh tranh mới; tiếp tục sửa đổi các quy định không phù hợp là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các ngành y tế, du lịch, ngoại giao sớm nghiên cứu ban hành cơ chế “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy thương mại, đầu tư. Ngành y tế sớm trình phương án về vấn đề này.
Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương chú trọng hơn nữa nhiệm vụ tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bên cạnh chỉ đạo công tác chống hạn, mặn cần thúc đẩy phát triển thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng.
Bộ Công an cần tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy, hạn chế hậu quả nặng nề do cháy gây ra, nhất là trong thời gian qua.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đẩy mạnh các dự án trọng điểm, đặc biệt đảm bảo tiến độ khánh thành Dự án Trung Lương-Mỹ Thuận trong tháng 6/2021 tới đây.
Tùng Lâm