Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành công thương cần chú ý hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào Mỹ. Nếu Mỹ tăng thuế, Việt Nam sẽ rất khó khăn.
Nhắc lại câu nói của Lê Quý Đôn: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ngành công thương tại hội nghị tổng kết năm 2019 tổ chức sáng 27/12. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng sự đóng góp của ngành công thương cho tăng trưởng GDP trên 7% là “không bàn cãi”.
5 vấn đề cần lưu ý Bộ Công Thương
Thủ tướng cho rằng công thương là đa ngành, đa lĩnh vực, rất quan trọng, rất phức tạp, qua đó, ông đưa ra 5 vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, ngành cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành cho 10 năm tới là khối lượng công việc rất nặng nề.
Thủ tướng đánh giá quy hoạch ngành rất quan trọng, làm chậm có thể cản trở sự phát triển. Thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển tiên tiến sẽ tạo đà cất cánh cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Thứ hai, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần nâng cao năng suất nội ngành. Phát triển công nghiệp Việt Nam, thay vì phụ thuộc dầu thô, dầu mỏ, sang công nghiệp dựa vào chế biến, sáng tạo. Bộ chủ động đi tắt đón đầu để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển ngành công thương, tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển một số một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là công nghiệp chế biến.
Thứ năm, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Qua đó thúc đẩy xuất khẩu kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nội nhu rất lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người VIệt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ.
Đồng thời, Bộ cũng cần làm tốt công tác quản lý thị trường, tránh gian lận thương mại. Đồng thời tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, trên tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Cho rằng năm tới là mốc quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và tiền đề cho giai đoạn sau, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương 3 mục tiêu cần hoàn thành.
Thứ nhất, Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến – chế tạo phải đạt 12%. Năm nay, tốc độ ngành này đạt 10%. Ông cho rằng ngành này là động lực chính cho tăng trưởng.
Thứ hai, người đứng đầu Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020.
“Đây là con số rất lớn đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng 15-17 tỷ USD”, Thủ tướng nói.
Thứ ba, tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số tăng trưởng khoảng 12%.
Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu lãnh bộ cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do, phát triển thị trường tiềm năng.
Cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ quá cao trong năm qua, Thủ tướng yêu cầu cần đa dạng hóa thị trường hơn nữa. Những thị trường quan trọng khác như 28 nước EU, các nước ký hiệp định CPTPP với VIệt Nam.
“Nếu Mỹ tăng thuế chỉ 5% thì Việt Nam sẽ rất khó khăn. Cần chú ý các thị trường khác cũng rất quan trọng. Tôi đề nghị Bộ nghiên cứu và tính toán thêm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm các ngành công nghiệp mũi nhọn. Bộ cần đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý các dự án thua lỗ; đảm bảo cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, không để mất điện.
“Cần đẩy mạnh chống tham nhũng, gắn với trách nhiệm nêu gương, xứng đáng với truyền thống của ngành”, Thủ tướng nói.