Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ‘chống dịch như chống giặc’ trước WHO
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong số ít lãnh đạo được tổng giám đốc WHO mời phát biểu tại cuộc họp năm nay. Thủ tướng cho biết Việt Nam đã nhận thức được sự nguy hiểm của COVID-19 từ sớm và đã huy động các nguồn lực chống dịch.
Tối 19-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc họp khóa 73 Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo lời mời của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến từ trụ sở WHO ở Thụy Sĩ và lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến như vậy. Đây là ngày thứ hai diễn ra cuộc họp thường niên này, với chủ đề “Đại dịch COVID-19”.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, với những thành quả tích cực đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như vị thế Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020 – 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong số ít lãnh đạo được tổng giám đốc WHO mời phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới năm nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc tới chính phủ và nhân dân các nước vì những mất mát to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, Thủ tướng gửi lời cảm ơn và tri ân tới tất cả y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch COVID-19 từ rất sớm và với phương châm “chống dịch như chống giặc”, đã huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, hệ thống y tế quốc gia, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của lực lượng quân đội… cùng kiên quyết thực hiện cách ly tập trung, kết hợp giữa kiểm soát nguồn lây, truy tìm tiếp xúc, xét nghiệm và điều trị.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam chấp nhận “hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của người dân”. Các chính sách và biện pháp chống dịch của Chính phủ đã được người dân tham gia ủng hộ.
Tính đến nay, Việt Nam chỉ có hơn 320 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào do COVID-19. Hôm nay là ngày thứ 33 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam đã bước sang trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong phòng chống dịch hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã hỗ trợ thiết thực, kịp thời về khẩu trang, thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nước, nhất là những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, các nước đều nhất trí đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có và không quốc gia nào có thể tự mình ứng phó được, đồng thời kêu gọi các nước cùng đoàn kết.
Nhiều nước đã đề cao vai trò của WHO, tri ân tới những y bác sĩ, những người đang trên tuyến đầu chống dịch, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh và phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắcxin, thuốc điều trị.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hơn bao giờ hết, các nước cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch.
Thủ tướng cho biết là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì và tham gia nhiều cuộc thảo luận, nỗ lực tìm tiếng nói chung, có những sáng kiến thúc đẩy hành động chung trong phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
BÌNH AN/TT