Còn nhớ những ngày đầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên nhậm chức, nền kinh tế đất nước còn bộn bề khó khăn. Trong khi miền Bắc chịu rét đậm rét hại, thì các tỉnh miền Tây hứng chịu xâm nhập mặn, lúa chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Ở miền Trung – Tây Nguyên, hạn hán khiến nhiều nơi ruộng khô, rừng cháy, đất đai nứt nẻ. Đặc biệt, bốn tỉnh miền Trung phải đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường, thủy sản chết hàng loạt do Fomosa gây ra. Cả bộ máy khởi đầu với con số nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng; tham nhũng, lợi ích nhóm chi phối hoạt động kinh tế làm méo mó thị trường, cán bộ quan liêu hành dân… Trong bối cảnh đó, không hề nao núng, vị tân Thủ tướng cùng các cộng sự của mình bình tĩnh đối diện, nhìn thẳng và tìm đúng “địa chỉ” là do thể chế. Từ đó, Thủ tướng đã “xốc” ngay vào vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất của nền kinh tế, đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Xuyên suốt nhiệm kỳ 2016 – 2020, Thủ tướng đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ tiên phong làm giàu cho đất nước. Hàng loạt cuộc gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn với các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giới doanh nghiệp, doanh nhân đã được chú trọng tổ chức. Thông qua các cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân thành, những bất cập còn tồn tại lâu nay đã được người đứng đầu Chính phủ và các cộng sự bắt trúng mạch và từ từ tháo gỡ các nút thắt cho các doanh nghiệp.
Các Nghị quyết 35 “Về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; Nghị quyết 19 “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” vừa là thông điệp mạnh mẽ vừa là cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Chiến dịch “phát quang rừng thủ tục” tăng tốc từ Nghị quyết 01 với yêu cầu dứt khoát từ Thủ tướng là phải cắt giảm ít nhất 50% tổng số điều kiện kinh doanh và 50% mặt hàng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tiếp đến Nghị quyết 139 “Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp” được ví như phát “đại bác” nã vào sự trì trệ, bảo thủ, đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, với 3.004 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, giảm 3.700 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại “Hội nghị Diên Hồng lần 2”, Thủ tướng đã để lại dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp, khi ban hành ngay chỉ thị 20 “Về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp” đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng cộng đồng doanh nghiệp. Hành động này đã thể hiện tinh thần quyết liệt, phản ứng nhanh, biến những lời nói thành việc làm cụ thể của Chính phủ. Mà như lời ông Nguyễn Văn Thị – Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) chia sẻ: “Thủ tướng là người toàn tâm đồng hành và sâu sát cùng doanh nghiệp với một thái đội thẳng thắn và quyết liệt. Bằng việc giải quyết ngay vấn đề thanh tra doanh nghiệp là sự thể hiện đồng hành, nói lên phần nào tình cảm mà Thủ tướng dành cho cộng đồng doanh nghiệp”. Còn Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Thủ tướng mang đến cho doanh nghiệp cả bánh mì và hoa hồng”.
Những nỗi niềm trăn trở và cả những chỉ đạo, hành động bền bỉ, quyết liệt của Thủ tướng cùng ngọn lửa nhiệt huyết của các doanh nghiệp đã kiến tạo nên một bức tranh kinh tế Việt Nam đa cảm xúc với 13 Hiệp định thương mại tự do được ký kết; 170 Nghị định Chính phủ ban hành có hiệu lực đi vào cuộc sống càng tạo cho bước chân của doanh nghiệp, người dân vững vàng đi tới. Bội chi ngân sách giảm từ 4% xuống 3,3%; lạm phát khống chế dưới 4%; nợ công từ 64,8% xuống còn 53,4%. Tổng số doanh nghiệp trong cả nước đã tăng gấp 1,5 lần chỉ trong 5 năm, đây là kỳ tích. Cùng với đó, đất nước đã không chỉ có hơn 800.000 doanh nghiệp mà còn có 5,4 triệu hộ kinh doanh. Bằng sự khéo léo và nỗ lực của Chính phủ, con tàu kinh tế Việt Nam đã vượt qua sóng gió, GDP liên tục các năm 2017, 2018, 2019 ở ngưỡng được dư luận đánh giá là “kỳ tích”. Trong đó, năm 2019 đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, “điều chưa có trong lịch sử nước ta”, theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định. Uy tín, vị thế Việt Nam ngày càng được ngân cao ở khu vực và thế giới. Các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và các tổ chức tài chính quốc tế… đều đánh giá rất cao thành tựu kinh tế và nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Chưa bao giờ, niềm tin của xã hội, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng lại tăng cao đến thế.
Với các bước đi rất cụ thể, sâu sát, không đao to búa lớn, Chính phủ thực hiện công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế theo cách “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão”, tạo chuyển biến từ việc nhỏ để làm nên sức bật đổi mới mạnh mẽ. Ấy thế nhưng, vào năm cuối của nhiệm kỳ, khi mà con tàu kinh tế Việt Nam đang băng băng về đích thì gặp “chướng ngại” lớn, dịch Covid-19 ập đến, cùng lúc bão lũ ở miền Trung khiến cả nước đứng trước gian nan, thử thách. Trước bối cảnh ngân sách hụt thu; bội chi tăng lên vì những khoản chi ra lớn để chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Và dẫu cho GDP còn ở trạng thái “đau đầu” cân nhắc tăng ở mức bao nhiêu, thu ngân sách giảm ở mức bao nhiêu, phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng từng con số. Thế nhưng Chính phủ không do dự khi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chi tổng số tiền khoảng 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch; giảm giá điện, giá nước; dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp trên 30.000 tỷ đồng; tăng thêm gần 20.000 tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân… với tinh thần “không có người dân nào bị bỏ lại phía sau” như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, người dân trở về với cuộc sống bình thường mới, Thủ tướng quyết liệt triển khai “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy thoái, kiệt quệ nhiều nền kinh tế, năm 2020 tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 2,91% – thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Dù rằng, trước mắt hãy còn nhiều khó khăn, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường không cho phép có sự chủ quan, song những kết quả đạt được sẽ là động lực lớn lao để cả đất nước tiến về phía trước. Mà theo như tờ EurAsian Times đánh giá: “Kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo vì Covid – 19, kinh tế Việt Nam vẫn ở trong 1 vị thế tốt vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện chính sách giảm thuế, hoãn thu thuế và miễn giảm thuế đất cho doanh nghiệp, sửa đổi luật đầu tư và ký kết hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu”. Còn PGD Kinh tế tại Trường Chính sách Công Crawford, ông Suiwah Leung chia sẻ: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những điểm chính trong việc hoạch định nền kinh tế lâu dài đã giúp Việt Nam có thể phục hồi kinh tế một cách thần kỳ”.
Xuyên suốt 5 năm qua, các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với công nhân lao động liên tục tổ chức thường niên trên khắp mọi miền đất nước. Không chỉ gói gọn trong 4 cuộc đối thoại trực tiếp, quy tụ hàng chục nghìn công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, mà song song đó hàng loạt chuyến thăm, kiểm tra đến các khu công nghiệp, các địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp và công nhân cũng thường xuyên được người đứng đầu Chính phủ xúc tiến với mong muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để người lao động yên tâm làm việc, đóng góp sức lực cho công cuộc phát triển đất nước. Thông qua những buổi gặp gỡ, hàng loạt ý kiến của công nhân được Thủ tướng lắng nghe và giải quyết. Từ những vấn đề thiết thực như bữa ăn, nơi ở cho tới cơ chế, chính sách đều được người đứng đầu Chính phủ quan tâm và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, tạo điều kiện để người lao động ổn định công việc và cuộc sống, đóng góp hơn cho sự phát triển của đất nước.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiệm kỳ qua, nền kinh tế đã dần đi vào ổn định, không chỉ đem lại những kết quả cụ thể mà quan trọng hơn đó là xác lập được niềm tin, khí thế và kì vọng mới từ người dân và doanh nghiệp. Niềm tin ấy sẽ không tự dưng mà có và sẽ không bao giờ đạt được khi người lãnh đạo chỉ biết ngồi văn phòng nghe báo cáo và ra chỉ thị. Hình ảnh vị Thủ tướng vô cùng giản dị, đầu đội mũ cối “thi gan” cùng bão, đi vào tâm lũ, trực tiếp tới thăm hỏi, động viên bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Không chỉ đi trên những nẻo đường mưa chống bão cùng dân, Thủ tướng cũng đi trên những nẻo đường nắng cùng dân chống hạn. Liên tục đi thị sát tại các tỉnh ĐBSCL, ông đã làm người dân nơi đây thấy quá quen thuộc với hình ảnh của một Thủ tướng bước hối hả trong nắng gắt, bên những cánh đồng nứt toác. Hay chuyến thị sát bất ngờ chợ đầu mối và nơi trồng rau ở Hà Nội lúc tờ mờ sáng. Kiểm tra chợ Long Biên, ghé vào nhiều cửa hàng bán hoa quả để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; vào quán phở bên đường ở TP.HCM ăn sáng; xuống tận nơi kiểm tra chất lượng bữa ăn của công nhân… Những hành động cụ thể của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân, nhiều người cảm động và thấy ấm lòng với những chuyến thị sát, cũng như quan tâm chân thành của Thủ tướng dành cho họ, đồng thời bày tỏ mong muốn người đứng đầu Chính phủ “vi hành” nhiều hơn nữa. Còn như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ suy nghĩ của mình trong một buổi tiếp xúc cử tri rằng: “Các bác cử tri nhắc nhiều đến việc Thủ tướng xuống chợ như thế nào, gặp gỡ bà con ra sao, thị sát rau sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm… cho thấy cả bộ máy đang chuyển động và chúng ta mừng trước điều đó”. Có thể thấy, cách làm việc trên đã thể hiện rõ phương châm “nói đi đôi với làm”, gần dân, trọng dân, lắng nghe dân của Thủ tướng. Đó cũng là quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính như phát biểu nhận chức của người đứng đầu Chính phủ.
Như đã biết, công cuộc cải cách không hề dễ dàng gì, phải vượt qua nhiều rào cản, động chạm đế lợi ích nhóm, mang tính “thâm căn cố đế” đã tồn tại bao lâu nay. Thế nhưng, thời gian qua Thủ tướng vẫn luôn lắng nghe tiếng nói của người dân, không chỉ thông qua việc báo cáo của các cấp, hay ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp gửi lên Cổng thông tin điện tử, mà mọi bất bình của bà con trên báo chí đều được ông quan tâm, nắm bắt, chỉ đạo kiểm tra, xử lý, như: tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương; yêu cầu đơn vị khai thác sân goft Tân Sơn Nhất và Bộ Quốc Phòng ngừng đầu tư tất cả các hạng mục trong khu vực này để mở rộng sân bay ngăn chặn tín dụng đen; vụ đấu thầu cao tốc Bắc – Nam, sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau, Thủ tướng đã quyết định chỉ đấu thầu trong nước…
Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với ngọn lửa nhiệt huyết của nội các Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để đưa Việt Nam bứt phá đi lên, Thủ tướng cũng đã có một nhiệm kỳ hoạt động đầy ấn tượng trên lĩnh vực đối ngoại với các chuyến thăm và làm việc với cường độ rất lớn đến các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Bỉ…
Áp lực công việc quốc gia đại sự, hành trình trên máy bay kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ, những chuyến bay được tính toán để làm sao đến nơi là làm việc ngay, cho thấy cường độ làm việc của người đứng đầu Chính phủ căng đến như thế nào. Song Thủ tướng luôn giữ được thần thái tươi tỉnh trong các cuộc tiếp xúc, làm việc sau đó, dù là với nguyên thủ các nước, các chính trị gia hay với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi chủ trì cuộc tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo đã chia sẻ rằng “Tôi xin nhiệt liệt chào mừng Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là bạn bè thân thiết của tôi đến thăm Nhật Bản”. Có thể thấy, phong cách chủ động, cởi mở chân tình của ông luôn tạo được sự tin cậy, đồng cảm nơi người đối thoại. Mà theo như lời một nhà ngoại gia lão thành nhận xét “đấy là những lời lẽ vượt ngoài ngôn từ ngoại giao thông thường, không chỉ bày tỏ sự đánh giá rất cao về mối quan hệ đối tác tin cậy với Việt Nam mà còn chứa đựng tình cảm cá nhân trân trọng của người đứng đầu Chính phủ một cường quốc dành cho Thủ tướng. Trong mối bang giao giữa các quốc gia, quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn”.
Ngay như việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được Tổng thống Donald Trump mời thăm Mỹ, sau khi nhậm chức; Hay tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sau khi nhậm chức chọn Việt Nam là nước đầu tiên thăm và làm việc… đã cho thấy sự tin cậy của các lãnh đạo thế giới đối với Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện uy tín cá nhân cùng sự năng động của người đứng đầu Chính phủ khi nỗ lực đẩy mạnh công cuộc hội nhập kinh tế đất nước với thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Và cũng không phải bỗng dưng mà Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA). Cũng chẳng phải vô cớ mà năm 2020 Việt Nam nhận nhiệm vụ kép, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục 192/193. “Bộ tứ kim cương” gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ mời thêm Việt Nam cùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại. Rồi việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua đề xuất của Việt Nam, ban hành Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm. Hay việc Thủ tướng được mời tham dự và có bài phát biểu quan trọng đóng góp tiếng nói của Việt Nam vào những vấn đề đang được quan tâm của khu vực và thế giới tại Hội nghị G7 và G20. Liên tiếp góp mặt tại những diễn đàn quan trọng trên thế giới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và tìm những giải pháp cho những mối quan tâm của đất nước, đã cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới, cũng như uy tín và tầm ảnh hưởng của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Mà dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lâu năm, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đánh giá “G20,G7 là các nhóm mà chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào kinh tế. Việc các nhóm này mời Thủ tướng Việt Nam tham dự cho thấy họ đã có sự công nhận vai trò kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam, không những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai”.
Chưa có nhiệm kỳ Chính phủ nào mới lên cho đến cuối nhiệm kỳ mà dồn dập gặp nhiều khó khăn đến như vậy, nhưng cho dù đang gánh trọng trách lớn lao với không ít gian nan, Thủ tướng đã thể hiện mình là một người không chùn bước, càng khó khăn càng nỗ lực vượt qua. Không chỉ là những phát ngôn mà toàn bộ hành động, chỉ đạo của Thủ tướng trong nhiệm kỳ qua, đã cho thấy bộ máy Chính phủ đã thực hiện theo đúng những gì đã cam kết, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho sự hiệu quả. Dù rằng, trước mắt còn nhiều khó khăn, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường không cho phép có sự chủ quan. Song những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua mà Thủ tướng và bộ máy Chính phủ đã nỗ lực đóng góp, sẽ là động lực để chinh phục các mục tiêu của nhiệm kỳ mới. Xin chúc Thủ tướng nhiều sức khỏe để tiếp tục chèo lái đưa nền kinh tế vượt qua những cơn sóng lớn, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể cảm nhận khá rõ ở đâu có Thủ tướng thì thông điệp về “Chính phủ kiến tạo” đều được thắp lửa, lay chuyển hành động, cách ứng xử của bộ máy hành chính. Điển hình như Bộ Tài chính thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; Bộ Công thương cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính; Bộ Công an tích cực triển khai áp dụng visa điện tử, tạo điều kiện cho du lịch phát triển; hay bỏ sổ hộ khẩu tiến tới sử dụng thẻ căn cước gắn chip điện tử; Cần Thơ dành ngày thứ hai hàng tuần để tiếp và đối thoại với doanh nghiệp; Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh… Dù còn bộn bề khó khăn và nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết, song bộ máy Chính phủ đã vận hành nhịp nhàng, phần nào đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.