Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho trí thức’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc kiến tạo môi trường tự do sáng tạo trong cuộc gặp đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ.
Cuộc gặp diễn ra chiều 30/7, cùng dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Nhấn mạnh công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Thủ tướng nói dấu ấn 90 năm qua của ngành tuyên giáo có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều người đã “gác bút nghiên lên đường chiến đấu” và anh dũng hi sinh. “Những tấm gương này đã tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”, Thủ tướng nói.
Khi đất nước thống nhất, hòa bình, đội ngũ trí thức có điều kiện thuận lợi để sáng tác, nghiên cứu khoa học, góp phần làm chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp 200 trí thức, nhà khoc học, văn nghệ sĩ chiều 30/7. Ảnh: Quang Hiếu
“Trong đại dịch Covid-19, các nhà khoa học đã kịp thời nghiên cứu thành công kit xét nghiệm, phần mềm khai báo y tế, truy vết người nghi nghiễm. Nhiều văn nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm cổ vũ phòng chống dịch, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội”, Thủ tướng dẫn chứng và khẳng định, những đóng góp này góp phần đưa Việt Nam thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới bước vào trạng thái bình thường mới.
Theo ông, bằng tài năng, tâm huyết, các văn nghệ sĩ và nhà khoa học đã cho thế giới thấy tên gọi Việt Nam không phải là của chiến tranh nữa mà đã trở thành biểu tượng vì hòa bình, hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng khát vọng hùng cường không thua kém bất kỳ dân tộc nào.
Thủ tướng nói dân tộc Việt Nam có truyền thống quý trọng hiền tài. Đảng và Nhà nước rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ cũng đã ban hành triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức, tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc.
“Chúng ta cần có thêm nhiều hình thức vinh danh và tưởng thưởng xứng đáng hơn nữa cho đội ngũ khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là kiến tạo môi trường tự do sáng tạo”, Thủ tướng nói và cho rằng đây chính là phần thưởng sẽ được đón nhận nhiệt thành nhất.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã gia tăng về số lượng, trình độ nhưng vẫn còn thiếu những trí thức lớn đầu ngành như tổng công trình sư, chuyên gia có khả năng tổ chức chương trình, dự án nghiên cứu lớn. Đất nước còn thiếu những tác phẩm văn nghệ có giá trị cao. Một số văn nghệ sĩ ngại bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh. Ngược lại có người lại xa rời nhân dân, nên mất đi nguồn nhựa sống để sáng tác. “Các văn nghệ sĩ hôm nay phải truyền cảm hứng nhiều hơn nữa về lý tưởng phụng sự quốc gia, độc lập, tự cường, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn.
Theo ông, khả năng, nhu cầu của các nhà khoa học, giới trí thức, văn nghệ sĩ là sáng tạo. Sứ mệnh của những người làm tư tưởng là cởi bỏ sợi dây để sự sáng tạo được khai phóng, bay lên. Đó cũng chính là lý do vì sao có sự kiện gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo hôm nay
“Một dân tộc có truyền thống 4.000 năm lịch sử, sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, bao đời quyết tâm chống sự xâm lăng của ngoại bang thì phải là dân tộc mạnh. Dân tộc đó không thể để thế giới coi thường là dân tộc bạc nhược, nghèo khó. Đây là sứ mệnh mà đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần chung tay đóng góp”, Thủ tướng nói khi kết thúc bài phát biểu.
Tại cuộc gặp, các nhà khoa học đã nêu nhiều đề xuất để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, góp phần giải phóng năng lực sáng tạo của trí thức Việt Nam. GS Nguyễn Trung Việt (Đại học Thủy lợi) cho rằng, đại dịch Covid-19 và những bất ổn về kinh tế, thương mại gần đây giữa các cường quốc trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần phải có lực lượng khoa học, công nghệ đủ mạnh của riêng mình.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, trí thức đang gặp khó khăn để phát huy năng lực vì vướng cơ chế. Theo ông Việt, dù đã có chủ trương “khoán” nghiên cứu khoa học tới sản phẩm cuối cùng nhưng việc nghiên cứu các đề tài vẫn phải bám theo các định mức chi tiêu, tạo gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cho nhà khoa học.
Vì vậy, ông đề xuất, Chính phủ cần xác định ngành khoa học mũi nhọn của Việt Nam 20 – 30 năm tới. “Việt Nam nên đi bằng cả hai chân, một chân dựa trên những thế mạnh truyền thống như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, một chân đi trước, đón đầu các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain (chuỗi khối công nghệ)…”, GS Việt nói.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch (Giám đốc Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP HCM), mong muốn Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho các thiết thế văn hóa, xây dựng lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp.
“Nếu trước đây các nghệ sĩ có nhiều học bổng từ các nước xã hội chủ nghĩa thì nay không còn nữa. Những năm qua, nhiều văn nghệ sĩ rất thiệt thòi, thiếu thốn trong việc cập nhật thẩm mỹ nghệ thuật thế giới”, ông Thạch nói và đề xuất chú trọng đào tạo âm nhạc trong các trường phổ thông.
Viết Tuân