+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước

11/01/2020 07:57

Sáng 10-1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2019 triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước. Ảnh: Trần Hải

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2019, ngành tài chính “thắng lợi toàn diện”, trong đó có nhiều mặt xuất sắc. Ðiểm nổi bật nhất là thu ngân sách vượt dự toán, cả Trung ương và địa phương (năm thứ tư liên tiếp vượt dự toán), góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển. Lần đầu sau nhiều năm, toàn bộ các tỉnh, thành phố đều vượt thu ngân sách. Tính chung, cả nước vượt dự toán hơn 138.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với dự toán. Bội chi ngân sách chỉ còn 3,4% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 3,6%. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương trong công tác điều hành giá, trong đó có việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế và quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm bình ổn giá và kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những kết quả khả quan, từng cán bộ, công chức ngành tài chính phải nhìn lại mình, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém để thực hiện hiệu quả hơn chức trách nhiệm vụ được giao. Trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phục vụ. Không chỉ là mệnh lệnh hành chính, quan liêu, ngành tài chính phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của cả đất nước, vì quốc gia, dân tộc, nhất là không né tránh trách nhiệm, không thoái thác nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước giao. Ngành tài chính phải tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, thúc đẩy phát triển của đất nước. Cán bộ tài chính phải tiên phong, gương mẫu, khắc phục tình trạng buông lỏng kỷ luật, kỷ cương tài chính, chậm trong đề xuất và xử lý các đề xuất kiến nghị của ngành và địa phương ở một số đơn vị.

Về nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng lưu ý bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó thương mại toàn cầu giảm, Bộ cần đề xuất các chính sách để huy động nguồn lực cho đất nước, góp phần thực hiện được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD năm 2020. Thủ tướng nêu rõ, ngành tài chính cần tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp cụ thể để nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tận dụng cơ hội khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành tài chính cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phát triển, làm sao cho “chiếc bánh” to hơn để có nguồn thu lớn hơn. Ðây chính là câu hỏi về thể chế, chính sách mà ngành tài chính là đơn vị “cầm cân” quan trọng. Bộ Tài chính cần phối hợp tốt với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, phối hợp tốt với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ðồng thời, cần quyết tâm và có giải pháp để năm 2020 vượt thu ngân sách ít nhất 5%; siết chặt kỷ luật ngân sách, trong đó giảm chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, để có nguồn chi cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, nghiên cứu biện pháp huy động nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh tỷ lệ nợ công giảm.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập và giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, trong đó có cải cách tiền lương là việc cấp bách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng ngành tài chính điện tử, đi tiên phong trong xây dựng Chính phủ điện tử. Theo dõi thị trường giá cả, nhất là thị trường thế giới để dự báo sát cung cầu, giá cả thị trường. Bộ cần chủ động hội nhập tài chính quốc tế, thực hiện các hiệp định thương mại đã ký, thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN liên quan lĩnh vực tài chính. Thông tin kịp thời, tháo gỡ các vướng mắc hơn nữa để cải thiện đánh giá về triển vọng, hệ số tín nhiệm của Việt Nam ngay trong năm 2020.

* Tối 10-1, tại Hà Nội, Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày ra đời ngành xi-măng Việt Nam và 90 năm Ngày truyền thống công nhân xi-măng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và trao Cờ Thi đua của Chính phủ tặng VICEM.

Năm 2019, VICEM đạt doanh thu hơn 36 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.300 tỷ đồng. Sau hơn một năm tái cơ cấu lại, ngành xi-măng đã phát triển theo chiều sâu, giảm đầu tư phát triển theo chiều ngang. Chặng đường lịch sử đã qua, VICEM đã và đang vươn tầm mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong nền công nghiệp xi-măng Việt Nam.

PV/ND

Bài mới
Đọc nhiều