Thủ tướng mong muốn Bệnh viện K sớm trở thành trung tâm ung bướu hàng đầu khu vực
Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống ung thư, thời gian tới, Bệnh viện K cần phải tiếp tục phấn đấu sớm trở thành một trung tâm điều trị ung bướu hàng đầu trong khu vực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ rằng “ung thư biết sớm trị lành”…
Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện K (1969-2019) vào sáng nay, 18/7.
Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Theo diễn văn của Giám đốc Bệnh viện K, GS. TS Trần Văn Thuấn, Bệnh viện được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pièrre Moullin, người Pháp phụ trách với mục đích là chữa bệnh ung thư cho người dân Đông Dương và người Pháp. Viện đã áp dụng thành quả các công trình nghiên cứu của nhà khoa học Marie Curie, các kim và type radium dùng tại Viện lúc đó được đích thân nhà khoa học Marie Curie kiểm tra, xác nhận tại Viện Curie Pháp rồi mới chuyển về Việt Nam để điều trị cho người bệnh.
Từ ngày 6/7/1926, Viện Curie Đông Dương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, là trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư duy nhất tại khu vực Đông Dương thời đó.
Năm 1959, Viện Radium được sáp nhập vào Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức) và trở thành Khoa Ung thư của Bệnh viện trong những năm 1959-1969. Năm 1969, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Bệnh viện K, mở ra trang phát triển mới đối với ngành ung thư Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi năm 165.000 ca mắc mới và hiện có trên 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Tình trạng này đặt ra cho ngành y tế nói chung, ngành khám điều trị ung thư nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề.
“Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống ung thư, thời gian tới, Bệnh viện K cần phải tiếp tục phấn đấu sớm trở thành một trung tâm điều trị ung bướu hàng đầu trong khu vực, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế”, Thủ tướng nêu rõ.
Bày tỏ vui mừng vui mừng được biết Bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật điều trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả điều trị, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Liên, bị ung thư giai đoạn cuối quyết tâm sinh con đã được các bác sĩ Bệnh viện K vừa chữa trị cho mẹ, vừa giữ được thai nhi và đã sinh con thành công. Theo Thủ tướng, đây là ví dụ điển hình cho sự thành công của điều trị ung thư, là câu chuyện cổ tích đời thường tại bệnh viện có khẩu hiệu “Trao hy vọng – Nhận niềm tin”.
Từ một cơ sở với 120 giường bệnh, đến nay Bệnh viện đã có 3 cơ sở khang trang với 2.400 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới nhất, hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng, hệ thống xạ phẫu hiện đại nhất hiện nay, hệ thống phẫu thuật robot điều khiển từ xa, hệ thống trung tâm pha chế thuốc tập trung… Tỉ lệ điều trị khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới (tỉ lệ điều trị thành công ung thư vú đạt 75%, ngang với Singapore).
Giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình
Biểu dương kết quả mà Bệnh viện K đạt được, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, Bệnh viện cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu”. Phát huy hiệu quả Trung tâm phẫu thuật robot, Trung tâm pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị Proton, I-on nặng…
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Chú trọng hợp tác quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc và nghiên cứu điều trị ung thư.
Cùng với việc không ngừng nâng cao y đức, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cả về quy mô, chất lượng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới để ứng dụng trong phòng chống ung thư tại Việt Nam. Mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện K còn phải là chỗ dựa, động viên, an ủi, chia sẻ, đồng hành cùng người bệnh theo đúng tinh thần “Trao hy vọng – nhận niềm tin”.
Cần tiếp tục cùng ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, để người dân hiểu rõ rằng “ung thư biết sớm trị lành”, Thủ tướng nêu rõ.
Chủ động sáng tạo trong việc triển khai Đề án tự chủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu, góp phần quan trọng giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài điều trị tại bệnh viện. Hiện nay, mỗi năm người Việt Nam bỏ ra hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư.
Bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội, vận động các nguồn lực để hỗ trợ các bệnh nhân, bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức và cá nhân quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Bệnh viện K hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giáo phó, sớm thực hiện khát vọng của mình trở thành trung tâm điều trị ung bướu hàng đầu của khu vực.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba tặng Bệnh viện K.
LQD