Thủ tướng mời chuyên gia WHO đến Việt Nam kiểm tra, đánh giá vaccine Nano Covax
Thủ tướng cho biết đã mời chuyên gia của WHO đến Việt Nam để phối hợp đánh giá vaccine Nano Covax. Nếu thử nghiệm thành công, đây sẽ là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Công ty Nanogen (đơn vị sản xuất vaccine Nano Covax) sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cách đây ít ngày, ông đã làm việc với WHO và được biết tình trạng khan kiếm vaccine có thể kéo dài đến quý III, Việt Nam đang ở thế bị động. Tuy chúng ta đã tiếp cận nhiều nguồn cung ứng vaccine nhưng các nước có khả năng sản xuất vaccine đều ưu tiên cho quốc gia của họ trước.
Thủ tướng cho biết khu vực sản xuất vaccine ưu tiên cho Việt Nam theo chương trình COVAX là Ấn Độ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ vừa qua đã bùng dịch còn Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chương trình COVAX ưu tiên cho các nước đang cần gấp. Trong khi đó, Việt Nam hiện cơ bản kiểm soát được tình hình, chỉ một số nơi có nguy cơ cao như TP.HCM.
“Chúng ta đã kiềm chế và đẩy lùi được dịch, nhưng rõ ràng vấn đề vaccine có tính chất quyết định. Trên thực tế, nước nào có vaccine thì đưa được cuộc sống trở lại bình thường”, Thủ tướng nói.
“Vừa qua, Việt Nam hoàn toàn bị động”
Ông nhắc lại vừa qua, Chính phủ đã đưa ra chiến lược vaccine với 3 nội dung: Tiếp cận tất cả nguồn vaccine; chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; và chiến dịch tiêm chủng.
Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng nhất của sản xuất vaccine trong nước là tạo được sự chủ động cho Việt Nam – giúp giảm giá thành vaccine nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển và có thể sử dụng bất kỳ lúc nào. Vừa qua, ông thừa nhận Việt Nam “hoàn toàn bị động”. Một số nước có viện trợ cho chúng ta nhưng nhỏ giọt và phải làm rất nhiều thủ tục.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết ông đã đặt vấn đề với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn 3 và đề nghị đoàn chuyên gia của WHO phối hợp đánh giá, kiểm tra và làm các thủ tục cần thiết theo quy định của WHO về vaccine. Lãnh đạo WHO cho biết rất sẵn sàng và sẽ cử đoàn chuyên gia tới Việt Nam.
Thủ tướng nhận định đây là điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam và phải có lộ trình tiếp đoàn chuyên gia của tổ chức này.
Về chiến dịch tiêm chủng, Thủ tướng nêu việc thí điểm tại TP.HCM với quy mô lớn nhất, tốc độ nhanh nhất. Qua đó, chúng ta nhận thấy một số thế mạnh, điểm yếu và sẽ họp rút kinh nghiệm với TP.HCM.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Hồ Nhân, Chủ tịch Công ty Nanogen, cho biết về quy trình sản xuất, công ty hiện có 2 nhà máy tập trung sản xuất vaccine, 2 nhà máy còn lại đóng cửa.
Về sản lượng, công ty mỗi tháng có thể sản xuất 8-10 triệu liều. Đến tháng 9, đơn vị có thể sản xuất 30-50 triệu liều vaccine/tháng. Nguyên nhân là phải chờ nhập máy móc về Việt Nam. Kho bãi, hệ thống đóng gọi tự động dự kiến hoàn thành trong tháng 7. Tất cả nhà máy đều theo tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới.
Trong 10 ngày nữa, công ty sẽ hoàn thành mũi tiêm đầu tiên cho 13.000 tình nguyện viên khắp cả nước. Giữa tháng 7, công ty sẽ chuyển sang giai đoạn 3c với một triệu người cả miền Nam và miền Bắc, tương đương 2 triệu liều vaccine.
Đơn vị cũng đã gửi mẫu vaccine cho Viện Nghiên cứu vaccine của Liên Hợp Quốc để kiểm định và tham gia thử nghiệm lâm sàng. Khi thấy vaccine đạt tiêu chuẩn, họ sẽ đưa vào tiến trình COVAX. Vaccine Việt Nam sẽ được thử nghiệm, so sánh hiệu quả với vaccine Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Dự kiến tháng 12 nghiên cứu này sẽ có kết quả.
Ngoài ra, nhiều nước đã có biên bản ghi nhớ đề nghị Nanogen hợp tác phân phối vaccine sau khi hoàn tất thử nghiệm.
Ông Hồ Nhân mong mỏi Thủ tướng và Bộ Y tế sâu sát hơn nữa và lập một đội chuyên hỗ trợ công ty để thực hiện các thủ tục hành chính trong cấp phép vaccine. Ông chia sẻ hiện công ty đang gặp rắc rối trong kiểm định, thủ tục hành chính cũng phải chờ đợi, “gần như xin cho”.
Làm rõ lý do xin được cấp phép, ông Hồ Nhân cho biết Ấn Độ, Nga, Trung Quốc đều thử trên 300-500 người rồi cấp phép có điều kiện đi kèm là tiếp tục theo dõi. Vaccine của Anh, Mỹ cũng thử trên 5.000-10.000 người nhưng cũng là cấp phép có điều kiện. Trên cơ sở đó, ông “mạnh dạn, tự tin” đề nghị Thủ tướng cấp phép.
Đại diện Nanogen khẳng định với Thủ tướng công nghệ là của công ty, không phải mua lại. Một số nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập của nước ngoài. Vaccine Nano Covax nằm trong nhóm 15 quốc gia vào lâm sàng giai đoạn 3. Giá một liều vaccine là 120.000 đồng, thuộc diện “thấp nhất thế giới” và giá này không thay đổi.
Thử nghiệm thành công, Nano Covax sẽ là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định công nghệ sản xuất vaccine của Công ty Nanogen tương đối tốt dù “không phải đỉnh nhất”. Thế giới hiện có khoảng 130 loại vaccine sử dụng công nghệ này đang thử nghiệm các giai đoạn. Vaccine đầu tiên dùng công nghệ này và đã được cấp phép là Nanovax của Mỹ.
Về tiến độ thử nghiệm, ông Long khẳng định sẽ cắt bỏ các thủ tục hành chính. Bình thường, vaccine phải mất 5-10 năm mới được cấp phép nhưng với vaccine lần này, Bộ “cắt tất cả các thủ tục hành chính và chỉ đi vào vấn đề chuyên môn”.
Dù vaccine của Nanogen chưa kết thúc giai đoạn 2, Bộ Y tế đã yêu cầu Hội đồng Y đức xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3. Nguyên nhân là giai đoạn 2 có thời gian theo dõi rất dài nên khi đánh giá tình hình an toàn, Bộ đề nghị triển khai gối đầu và cùng theo dõi.
Giai đoạn 3 sẽ giúp dò ra liều lượng vaccine tối ưu nhất. Hiện, liều lượng công ty đưa ra là 50 microgram. Giai đoạn 2, công ty đã thử trên 160 người với liều lượng này. Theo đề cương, vaccine này sẽ có liệu trình tiêm 2 mũi vào ngày 1 và ngày 28. Thời gian theo dõi là vào các ngày 1, 28, 36, 42.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết theo lời mời của Thủ tướng, sắp tới, WHO sẽ bố trí đoàn chuyên gia vào TP.HCM. Song song với quá trình trong nước, có thêm sự đánh giá của nước ngoài sẽ giúp vaccine có đầy đủ dẫn cứ khoa học để được cấp phép.
“Quan điểm chung và nhất quán của bộ là tạo điều kiện tối đa nhưng phải đảm bảo sinh mạng của người dân nên cần làm chặt chẽ. Nếu Nanogen thử nghiệm thành công thì đây sẽ là vaccine đầu tiên của Việt Nam”, Bộ trưởng Long nhận định.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính để Việt Nam sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Thu Hằng