+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: “Lót tay phong bì bao nhiêu, người ta biết hết”

Tùng Lâm - 02/01/2020 18:33

Nhắc đến một số đường dây được lãnh đạo tỉnh bảo kê, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có lãnh đạo địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong phòng chống tội phạm và buôn lậu.

Chiều 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm và Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngay khi bắt đầu, Thủ tướng lưu ý ở đầu cầu của các địa phương không có đầy đủ lãnh đạo dự họp, trong khi ở Trung ương có 3 ủy viên Bộ Chính trị và một số ủy viên Trung ương dự, chủ trì cuộc họp quan trọng này.

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo, người đứng đầu Chính phủ dành hơn 40 phút để đánh giá về kết quả, thực trạng cũng như yêu cầu xử lý tồn tại trong phòng chống tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại.

Ma túy không phải cái kim, không thể nhảy dù vào Việt Nam

“Ba ủy viên Bộ Chính trị và một số ủy viên Trung ương dự cuộc họp này với mong muốn năm 2020 có chuyển biến quan trọng, cơ bản trong công tác phòng chống tội phạm và gian lận thương mại, để mọi mặt đều tiến bộ chứ không chỉ là kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh muốn đất nước phát triển thì người dân phải an toàn và phải chống được gian lận thương mại.

Thủ tướng nêu thực tế chúng ta có nhiều lực lượng nên cần làm rõ nhiệm vụ, chức năng, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Thu tuong: Mot so duong day co lanh dao cap tinh bao ke hinh anh 1 thu_tuong.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

Nêu thành tích năm 2019 đã giảm 7,39% tội phạm, giảm 15.000 người bị bắt và đưa vào trại giam, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại xử lý gần 200.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 21.000 tỷ, Thủ tướng khẳng định nếu đất nước không bình yên, gian lận thương mại tràn lan thì kinh tế không thể phát triển.

Đất nước phát triển thì người dân phải an toàn và phải chống được gian lận thương mại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ông đề nghị phải chống tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra công vụ, phòng ngừa và xử lý cán bộ công chức vi phạm, bao che tiếp tay cho tội phạm. Thủ tướng cũng yêu cầu thuyên chuyển cán bộ trong nội bộ ngành để giảm bớt tình trạng bao che.

Ghi nhận nhiều kết quả, song Thủ tướng cho rằng những thành tích ấy vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Điển hình là tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp, băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành (như ở Đồng Nai), nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn ở TP.HCM, xăng giả ở Đắk Nông… vẫn còn phức tạp.

Âm mưu vận chuyển ma túy vào Việt Nam vẫn tiềm ẩn. Vì thế, phải xác định đường đi của ma túy bởi “ma túy đâu phải cái kim”, ma túy cũng “không thể nhảy dù” vào Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chức năng và địa phương trong vấn đề này.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến tội phạm buôn bán người, đưa người trốn ra nước ngoài và dẫn chứng vụ 39 người tử vong trong container ở Anh và đánh giá có bàn tay tội phạm dẫn dắt mới dẫn đến tình trạng này.

“Lót tay phong bì bao nhiêu, người ta biết hết”

Đề cập đến trách nhiệm cá nhân, tổ chức cũng như cơ chế phối hợp xử lý, Thủ tướng cho rằng “cái gì lực lượng chức năng cũng biết, vấn đề là có làm hay không”.

Ông nhắc nhở xem xét lại sự phối hợp, chia sẻ thông tin bởi thực tế có khi chưa triển khai kế hoạch thông tin đã bị lộ, vừa nhúc nhích là thông tin lộ hết ra ngoài.

Thu tuong: Mot so duong day co lanh dao cap tinh bao ke hinh anh 2 NQH01936.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở việc có 3 ủy viên Bộ Chính trị và một số ủy viên Trung ương chủ trì hội nghị quan trọng, nhưng thành phần lãnh đạo ở các địa phương không đầy đủ.

Với vi phạm đủ cấu thành yếu tố hình sự, Thủ tướng yêu cầu xử lý hình sự. Nếu không, phải xử phạt hành chính ở mức tối đa.

Thủ tướng phê bình việc phối hợp giữa các cơ quan, địa phương thời gian qua còn kém. Vì thế, cần đánh giá vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và ban chỉ đạo 138, 389 ở địa phương đã làm hết trách nhiệm chưa, có bảo kê, tiêu cực không. Vì các vụ việc đều xảy ra ở địa bàn.

Thời gian qua vai trò lãnh đạo, điều hành ở một số địa phương chưa quyết liệt, có lúc có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc dẫn đến hoạt động tội phạm buôn lậu ở biên giới, một số tỉnh phía Bắc còn phức tạp. Trong nước, việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp ở các thành phố lớn, khu đô thị.

“Có một số đường dây, như buôn đường, có liên quan đến cán bộ cấp tỉnh. Việc bảo kê đó và có người nhà tham gia như vậy là rất nguy hiểm, bởi chúng ta đang yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, việc xử lý còn nể nang, né tránh. Thủ tướng yêu cầu công an và các lực lượng chức năng điều tra xong phải chuyển khởi tố, xét xử ngay, “không kéo dài năm nọ qua tháng kia, quá mù ra mưa”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm khắc, đến nơi đến chốn để thu tiền về cho ngân sách.

Có khi chưa triển khai kế hoạch thông tin đã bị lộ, vừa nhúc nhích là thông tin lộ hết ra ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Để chuyển biến tốt hơn trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai có hiệu quả các chương trình công tác, tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc nổi cộm để làm gương, răn đe, giáo dục.

Về nhiệm vụ đấu tranh ngăn ngừa tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như công an, thuế, hải quan, quản lý thị trường… phải giảm tham nhũng, tham nhũng vặt.

“Đừng để cơ quan có tình trạng tham nhũng. Các đồng chí tưởng người ta không biết à? Ông lót tay phong bì bao nhiêu cho một kiện hàng không phải người ta không biết đâu, ở bến xe, bến cảng, bốc xếp hàng từng container hay việc này việc kia, làm sao người ta không biết những chuyện tiêu cực, phải chấn chỉnh đi”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các cơ quan tố tụng không để lâu các vụ việc như buôn bán ma túy, xăng dầu giả… Bên cạnh đó, phải xem xét, hoàn thiện thể chế trong phòng chống tội phạm, buôn lậu hay gian lận thương mại.

“Không thể vì phát triển mà buông thả hết, để xã hội trắng đen không rõ ràng. Mức độ đến đâu thì phải tính, nếu không hình sự thì phải phạt đúng mức để chừa thói kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại”, Thủ tướng quán triệt.

Bài mới
Đọc nhiều