Thủ tướng: ‘Lò xo kinh tế’ phải bật mạnh sau đại dịch COVID-19
Các bộ, ngành, địa phương cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng, trúng và triển khai quyết liệt để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này khi phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương sáng 10-4 để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đây như một “hội nghị Diên Hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%), nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay, chúng ta đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể là gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)….
Thủ tướng nhận định dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, không được chủ quan. Dịch sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phải vươn lên mạnh mẽ, và nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện nghiêm túc các giải pháp.
“Hội nghị cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng và trúng để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian. Chính phủ sẽ có nghị quyết để tập trung tháo gỡ khó khăn.
Tinh thần của Chính phủ là cần tập trung ngay vào các nhiệm vụ trước mắt ngay sau hội nghị. Việt Nam có một tương lai tốt nên cần nắm bắt để tương lai năm 2021, rồi các quý 2, 3, 4 năm nay chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch”-người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh,ngành ngân hàng phải đồng hành với doanh nghiệp.
Các ngành, các cấp cần điều hành để đảm bảo kinh tế vĩ mô, tránh lạm phát. Không chỉ ngân hàng, mà các các địa phương, các ngành cần thực hiện hiệu quả các gói kích cầu. Bộ tài chính cần báo cáo về việc bố trí nguồn cho gói này. Các bộ, ngành cũng cần đề xuất các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Các địa phương, các ngành cũng cần có chính sách để đón đầu, thu hút đầu tư nước ngoài ngay sau dịch. Các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu cần giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn của năm 2019 và cả 2020.
Ông cho rằng cần kiểm điểm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không giải ngân, và cần chuyển vốn cho nơi khác.
Đối với gói hỗ trợ trên 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nên các địa phương cần thực hiện ngay để gói hỗ trợ đến tận người dân khó khăn một cách sớm nhất.
Yêu cầu bộ công an cần có kế hoạch, phương án cụ thể để đảm bảo an ninh trật tự, phối hợp các cơ quan để ngăn chặn nạn đầu cơ, tích trữ, cho vạy nặng lãi…
ĐỨC BÌNH – NGỌC AN/ TTO