+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Lắng nghe hơi thở cuộc sống, không để ‘cua cậy càng, cá cậy vây’

07/07/2020 15:01

“Các đồng chí cần phải lắng nghe hơi thở cuộc sống, không được để “cua cậy càng, cá cậy vây”. Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách Nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu. Chủ động góp phần tạo ra chiếc bánh lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 vào sáng nay (7/7), tại Bộ Tài chính.

Góp sức cho cỗ xe tam mã

Thủ tướng nêu rõ, dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, vì “người ta hay nói là có thực mới vực được đạo”, không có nguồn lực tài chính thì khó trong điều hành. Cho nên trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính nước nhà. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Cỗ máy tăng trưởng được ví như cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), Thủ tướng đặt vấn đề ngành tài chính đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế là câu hỏi lớn của toàn ngành tài chính. Do đó, “Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn các đồng chí đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh”.

Với mong muốn đó, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại Hội nghị, được nghe nhiều ý kiến, từ TP. Hà Nội đến Cà Mau, Sơn La, Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác thể hiện quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu năm nay mà có điều chỉnh thì điều chỉnh rất ít. Quyết tâm này đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn. Tất cả các đối tác thương mại lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng nặng nề, chưa thoát ra khỏi dịch bệnh. Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có để kích cầu, tạo việc làm, hỗ trợ người dân. Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nước thay đổi luật lệ, thể chế để phù hợp với dịch bệnh vì chuỗi cung ứng đứt gãy, tỉ lệ thất nghiệp quá lớn.

Thời gian khó khăn vừa qua chính là thời điểm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng, đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên. Kết quả quan trọng đạt được cả 3 trụ cột: Phòng, chống dịch; duy trì tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng, điều này có đóng góp quan trọng của đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.

Ngành tài chính đã xử lý kịp thời mọi khoản kinh phí, bảo đảm nhiệm vụ phòng, chống dịch, cách ly xã hội, hỗ trợ người dân, viện trợ nhân đạo, đặc biệt “ngay trong lúc dịch bệnh chưa kết thúc, các đồng chí đã đưa ra các chính sách hỗ trợ phí, thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đề xuất chính sách chưa nâng lương cho cán bộ, công chức…”.

Cho rằng khó khăn thách thức phía trước còn rất lớn, Thủ tướng cho rằng, cần sớm có lời giải cho câu hỏi Bộ Tài chính, ngành tài chính cần tiếp tục làm gì để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nhiều chuyên gia quốc tế, trong nước đều cho rằng trong bối cảnh khó khăn, công cụ tài khóa cần sử dụng linh hoạt hơn, hiệu quả hơn để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển.

Cần tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối với các nền kinh tế.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nếu như các nước có tỉ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì chúng ta có tỉ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn, khoảng 54-55%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.

Tạo ra chiếc bánh lớn hơn

Để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu, triển khai một số quan điểm, định hướng chủ đạo. Trước hết, Bộ Tài chính, cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách, cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách. Cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách Nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta”, Thủ tướng nói.

Phương châm đặt ra là tài chính không bị động để nền kinh tế bị thu hẹp mà phải chủ động góp phần tạo ra chiếc bánh lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh. Đây cũng là con đường tốt nhất để góp phần bảo đảm an toàn xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Cho biết, IMF cũng như nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỷ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Về quy mô tỉ lệ nợ công/GDP, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. “Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả”.

Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là một cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá. “Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%”, Thủ tướng nói. Rà soát, thực hiện hiệu quả các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro, phòng chống hiệu quả mua bán, sáp nhập bất hợp pháp, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về thu ngân sách, không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu.

Về chi ngân sách, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ.

“Việc lớn thứ hai mà tôi dành thời gian nói với các đồng chí trong đó ngành tài chính là ngành trực tiếp tham mưu, đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng nhắc lại con số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020. Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng gợi mở một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm: Một là, nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào. Thứ hai, thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Thứ ba, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được. Thứ tư, lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công. Có bí thư, chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng xin về không triển khai, giao khoán cho bên dưới, không động tĩnh gì, nhất là giải phóng mặt bằng. Đi đâu cũng kêu khó về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng nói. “Kêu khó thì đừng có xin về, mang tiếng”.

Do đó, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu bí thư, chủ tịch, các giám đốc sở, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Nếu cứ nói sơ sơ, không phê bình, đấu tranh thì làm sao giải ngân được, Thủ tướng kiên quyết. Cần chế tài mạnh trong vấn đề này.

Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra những nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành tài chính phải hợp tác chặt chẽ, một ngành phục vụ các ngành, các địa phương và nhân dân.

Đức Tuân/VGP

Bài mới
Đọc nhiều