+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng kiên quyết không để Việt Nam trở thành “người vận chuyển” cho Trung Quốc

03/07/2019 09:50

Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho hàng Việt tiến vào châu Âu. Thì dư luận phải đối mặt với một nỗi buồn không nhỏ, đó là lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump nói rằng “Việt Nam lạm dụng thương mại Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc”. Khi ông chủ Nhà Trắng đã công khai nói như vậy tức là đang bật đèn vàng báo hiệu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký EVFTA và EVIPA
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký EVFTA và EVIPA

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia kinh tế đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn ra thì hàng hóa Trung Quốc có thể “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất qua Mỹ. Điều này càng có cơ sở hơn khi tờ “South China Morning Post” cho hay, các quan chức Quảng Tây (Trung Quốc) đã nhắm 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam để các nhà sản xuất Trung Quốc đến lắp ráp các sản phẩm điện tử tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”. Theo các chuyên gia các khu vực thương mại xuyên biên giới này có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế. Khi đó, Trung Quốc sẽ chuyển các sản phẩm bị đánh thuế khi xuất trực tiếp tới Mỹ sang “khoác áo” các nước thành viên ASEAN. Hàng hóa Việt Nam sẽ bị vạ lây khi Mỹ đánh thuế vì có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Thời gian qua, mặt hàng gỗ đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây từ hàng Trung Quốc vào với giá rẻ, núp bóng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Ngành dệt may, da giày cũng lo lắng các nhà đầu tư Trung Quốc mượn Việt Nam làm nơi trung chuyển, nghĩa là chỉ đặt nhà máy ở nước ta, nhập hàng bán thành phẩm vào và chỉ thêm vài công đoạn cuối xuất xứ “made in Vietnam” rồi xuất khẩu sang Mỹ. Năm 2018, hải quan Mỹ từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.

Nghi án của Tập đoàn điện tử Asanzo nhập khẩu hàng loạt thiết bị điện tử gia dụng có xuất xứ Trung Quốc về bóc tem “made in China” và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang khiến cho xu thế hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam, đội lốt hàng Việt để xuất khẩu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thế nhưng, đừng nghĩ Trump không biết chuyện hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, thậm chí đóng gói tại Việt Nam xuất qua Mỹ để tránh thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên thép Trung Quốc đội lốt Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị phạt thuế 500% chứ! Một vài vụ lẻ tẻ thì Trump có thể nhắm mắt cho qua, chứ để dậy lên thành một “chiến dịch” lạm dụng ở quy mô lớn thì ông chủ Nhà Trắng khó có thể làm ngơ được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị G20
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị G20

Chưa biết khi nào Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kết thúc, cũng như rất khó lường trước những biến động sẽ xảy đến. Do đó, Việt Nam cần thận trọng, khôn khéo, chúng ta chớ làm “bia đỡ đạn” cho cuộc chiến này, tránh bị cuốn vào vòng xoáy xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Và đặc biệt hơn là trong bối cảnh, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã được ký kết quy định khá chặt chẽ về điều kiện hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế chỉ chấp nhận hàng hóa có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên hoặc các nước đã ký hiệp định thương mại với EU. Liệu Việt Nam có muốn trở thành “nơi trú ẩn”, là “người vận chuyển” hàng hóa cho Trung Quốc, mượn xuất xứ hàng Việt Nam rồi xuất sang các nước, để Trung Quốc lợi dụng nhằm kiếm lợi hay không?

Chắc chắn là không rồi! Ngay sau lời cảnh báo của ông Trump, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác”; “Phía Việt Nam hoan nghênh đầu tư cũng như kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở tôn trọng đầy đủ quy trình của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế”. Bên cạnh phản ứng của Bộ Ngoại giao, một số bộ, ngành khác cũng đang ráo riết vào cuộc, căng mình kiểm soát việc gian lận xuất xứ, tránh tình trạng Trung Quốc lợi dụng Việt Nam làm “bàn đạp” né thuế vào Mỹ. Không những thế, việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin về việc Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt là rất cần thiết, bởi xuất xứ hàng hóa Việt Nam đang ngày càng trở nên nhạy cảm giữa bối cảnh này. Nếu không chấn chỉnh nghiêm vấn đề xuất xứ, để lọt sản phẩm “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt” xuất khẩu sang Mỹ hay các nước châu Âu thì lúc đó chúng ta có thể bị các nước xem xét việc nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, hậu quả rất khôn lường.

Mới đây, phát biểu tại lễ ký kết EVFTA và EVIPA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh rằng: “Việt Nam sẽ ban hành 1 chương trình hành động quốc gia thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ cụ thể, thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai đến bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân”. Việc cần làm là các bộ ngành, các cơ quan chức năng là những người có trách nhiệm lớn nhất, cần phải hành động ngay và quyết liệt để không còn tình trạng nhập hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt xảy ra. Muốn tránh được nguy cơ đang đe dọa thì không còn cách nào khác là chúng ta hết sức minh bạch trong thương mại quốc tế, trừng trị thẳng tay, không nhân nhượng với bất kỳ doanh nghiệp Việt nào bắt tay, để Trung Quốc núp bóng, làm ăn gian dối, lừa đảo, xuất hàng đi Mỹ và các nước khác.

Hương Giang

Bài mới
Đọc nhiều