+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Kiểm tra, xử lý ngay bức xúc của các trường hợp tiền điện tăng đột biến

01/07/2020 16:15

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng nay 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã định hướng điều hành giá một số mặt hàng cụ thể.

Đối với mặt hàng điện, Thủ tướng yêu cầu không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, tại một số địa phương như Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Dương… đã xảy ra tình trạng ghi sai chỉ số công tơ, dẫn đến tiền điện tăng vọt. Đơn cử, một hộ gia đình 3 người ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tá hỏa khi phát hiện tiền điện trong tháng 6-2020 lên đến gần 90 triệu đồng. Sau khi phản ánh đến Công ty Điện lực, số tiền trên giảm xuống còn gần 370 ngàn đồng. Lý do nhầm lẫn này được phía Điện Lực Quảng Ninh đưa ra là do… trời mưa.

Hay trường hợp một gia đình bất ngờ khi nhận được thông báo của Điện lực Quỳ Châu (Nghệ An) tiền điện tháng 6-2020 lên đến hơn 16 triệu đồng, trong khi số tiền điện thực tế của hộ này chỉ hơn 500.000 đồng. Theo Điện lực Quỳ Châu, sai sót trên không phải do đồng hồ mà do nhầm lẫn trong quá trình nhập chỉ số ra hóa đơn.

Thủ tướng: Kiểm tra, xử lý ngay bức xúc của các trường hợp tiền điện tăng đột biến - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng điều hành giá một số mặt hàng cụ thể

Bên cạnh đó, về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu.

Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp.

Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.

Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.

Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thủ tướng: Kiểm tra, xử lý ngay bức xúc của các trường hợp tiền điện tăng đột biến - Ảnh 2.

Về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.

Về việc giá bộ sách giáo khoa (SGK) mới cao hơn bộ sách cũ mà một số ý kiến phản ánh, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, nguyên nhân là thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành. Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in màu, chất lượng tốt hơn. Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất. Qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu. Với những đối tượng an sinh xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, được cấp phát SGK miễn phí.

Tuy nhiên, với quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT thấy có một số bất cập, vì thế, Bộ GD-ĐT cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định SGK. Theo đó, sẽ tách ra “nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ, ví dụ như khâu biên soạn SGK”.

B.T.N./VGP

Bài mới
Đọc nhiều