Thủ tướng: Không để trụ đỡ đất nước thụt lùi trong năm 2022
Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2022 vượt trên 50 tỷ USD, đừng quá khiêm tốn. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, sáng 29/12.
Đưa nông sản lên sàn, nông dân thắng lớn
Báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD, tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85-2,9%. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển sang chiều sâu, đa giá trị, sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Con tàu chuyển đổi số nông nghiệp bắt đầu vận hành, bước đầu đem lại một số kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Năm qua, Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp và đanh thưc hiện “xanh số” trên các cánh đồng; đưa hơn 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, quả vải thiều đưa lên sản được tiêu thụ rất tốt, hình ảnh được quảng bá rộng khắp. Nhờ đó, doanh thu vải thiều từ 600 tỷ năm 2020 đã tăng lên 1.400 tỷ năm 2021.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, chuyển đổi số giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, giảm giá thành đầu vào. Tại các cánh đồng thông minh, làng thông minh, HTX hội quán số, bà con nông dân chỉ cần ngồi bấm điện thoại có thể điều khiến được tưới tiêu nước, điều khiển được máy bay không người lái phun thuốc trên cánh đồng.
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Điều rất vui là trong hầu hết phát biểu của các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như một giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”.
Theo ông, chuyển đổi số mở ra 3 xu thế mới. Thứ nhất, sàn thương mại điện tử, cụ thể
là PostMart và Vỏ Sò hai sàn thương mại điện tử lớn tiêu thụ các sản phẩm của ngành nông nghiệp. Thứ hai là phi tập trung hoá. Chuyển đổi số giúp hộ nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một DN và xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, từng con. Thứ ba là phi vật chất hóa, số hóa đất đai, cây trồng, môi trường… đến cả mô phỏng, phân tích, nhanh, không hao phí vật chất. Sau khi tối ưu trên thế giới ảo sẽ quay lại phục vụ thế giới thực.
Bộ trưởng khẳng định, 2022 sẽ là năm hành động chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp. Theo ông, trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng,… Nền tảng được hiểu là một phần mềm nhưng phục vụ cho toàn quốc, đến từng tỉnh, từng xã.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ NN-PTNT thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp, với Bộ trưởng Lê Minh Hoan là Trưởng ban, nâng cấp Trung tâm Chuyển đổi số thành cấp Cục. Đồng thời, chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác chiến lược để nhanh chóng tạo ra các nền tảng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, triển khai sớm trong nửa đầu năm 2022.
“Chuyển đổi số góp phần thành lập giải bài toán thiên niên kỷ của nhân loại, cũng là giải một số bài toán của ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp là thành lập tổ công nghệ cộng đồng đến mức xã, thôn, lấy thanh niên làm nòng cốt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Sản vẫn xuất nhỏ lẻ, yếu khâu chế biến bảo quản
Nhiều địa phương, DN trong ngành cũng đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, thừa nhận sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa có quy hoạch vùng trồng dẫn tới khó khăn khi làm hàng xuất khẩu hoặc không thể xuất khẩu hàng hoá của địa phương. Đặc biệt, khâu bảo quản yếu kém tạo áp lực cho tiêu thụ khi vào chính vụ thu hoạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho rằng, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Theo ông, nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
Để có giải pháp căn cơ, bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; cần xác định rõ thị trường xuất khẩu, trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất.
Ông cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng với phương châm “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Song, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp, như chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu,… còn hạn chế.
Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, ứng dụng KHCN hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.
Đặt mục tiêu tăng trưởng cao, đừng để thụt lùi
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp “mổ xẻ”, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ông nhấn mạnh, cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN-PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2022 được dự báo vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức hơn năm 2021. Do đó, cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Cùng với đó cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời.
“Muốn thực hiện được, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, quyết tâm đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỷ USD, không cần khiêm tốn. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đề nghị ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1-2 thị trường. Phải nâng cao năng lực chế biến, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.
“Một mặt sản xuất xuất khẩu nông sản chính ngạch, một mặt cần phải cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Vấn đề là phải có sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tập trung chuyển đổi số nông nghiệp, kinh phí báo cáo Chính phủ. Nguồn lực có hạn nên phải ưu tiên, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ bố trí phù hợp.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thống kê dữ liệu. Bởi, thống kê tốt sẽ dự báo được thị trường, từ đó điều tiết sản xuất cho phù hợp, có chiến lược cho từng ngành hàng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây dựng mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh sẽ được Bộ tập trung trí tuệ nghiên cứu”.
Tâm An