+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Không để tái diễn thảm kịch người Việt di cư, mất mạng ở xứ người!

08/11/2019 15:21

“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trước Quốc hội.

Tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng được Thủ tướng khái quát là một cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức. Thủ tướng khẳng định, phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cùng các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc”, Thủ tướng nêu thông điệp chốt lại phần báo cáo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bộ máy hành chính chồng chéo

Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, Thủ tướng xác nhận còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán ở một số bộ, ngành, địa phương cả về tư duy lẫn hành động trong quản trị Nhà nước, trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không phân định và xác định rõ trách nhiệm trong việc triển khai thi hành nhiệm vụ, thúc đẩy điện tử hóa, số hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, gắn với tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương.

Bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống

Về các vấn đề xã hội bức xúc mà đại biểu Quốc hội nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng…, Thủ tướng phân tích, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh.

Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, Thủ tướng lưu ý, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.

Xây dựng các kịch bản xử lý sự cố môi trường

Về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu thực tế, Việt Nam đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó nổi lên là ô nhiễm nguồn nước, không khí, và vấn đề rác thải, úng ngập…

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, an ninh nguồn nước…

Quyết tâm hoàn thành các tuyến đường kết nối ĐBSCL

Báo cáo về các nội dung cụ thể, Thủ tướng đề cập trước hết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho rằng, việc này cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn. Các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Thủ tướng nhắc lại cam kết khởi công làm sân bay vào đầu năm 2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 và triển khai xây dựng 8 dự án thành phần của tuyến cao tốc vào giữa năm sau.

Nhắc đến việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhìn nhận, hiện còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt nghiêm trọng…

Ông cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.

Nguồn lực lớn nhất là con người

Nói về nguồn lực để phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, nguồn lực lớn nhất không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

Thủ tướng chùng giọng: “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn! Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng phân tích, để chủ trương, chính sách thực thi có hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt. Bài học thấy rõ là cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp.

Vấn đề, theo Thủ tướng, chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

“Thách thức lớn nhất là thiếu ý chí, nguy cơ lớn nhất là không hành động”

Trước khi vào nội dung tiếp thu, giải trình các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, mục tiêu đặt ra theo tinh thần cương lĩnh phát triển đất nước thời kỳ quá độ được điều chỉnh, bổ sung năm 2011 là đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Thủ tướng, những khó khăn, thách thức phía trước không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều.

Nối tiếp truyền thống chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ của ông cha, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

“Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm” – Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng: Không để tái diễn thảm kịch người Việt di cư, mất mạng ở xứ người! - 1
Theo thông lệ, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn.

Qua phần đăng đàn của 4 Bộ trưởng trước đó (Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân  Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng), một số chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội chia sẻ là đồng thời gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề giảm diện tích đất lúa, gỡ “thẻ vàng” với thủy sản được một số đại biểu đặt ra với nhận định, thẩm quyền xử lý vấn đề nằm ở lãnh đạo Chính phủ.

Trong lĩnh vực công thương, vấn đề chiến tranh thương mại, tháo gỡ khó khăn cho những dự án điện chậm tiến độ để đảm bảo an ninh năng lượng cũng cần ý kiến từ phía Chính phủ.

Lĩnh vực nội vụ, vấn đề thể chế hóa chính sách, những nghị định Chính phủ đã “nợ” hàng chục năm, tình trạng “cả họ làm quan”, công chức nhũng nhiễu… cũng sẽ là nội dung nhiều đại biểu đề nghị dành cho Thủ tướng trao đổi thêm…

Trong phần đăng đàn của mình, Thủ tướng có thời lượng không giới hạn để báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan đến các nội dung chất vấn các Bộ trưởng hơn 2 ngày qua. Thời gian còn lại Thủ tướng sẽ chọn một số chất vấn của các đại biểu Quốc hội để trả lời trực tiếp trước nghị trường. Nếu không đủ thời gian để giải đáp hết các chất vấn, Thủ tướng sẽ tiếp tục trả lời bằng văn bản.

Theo chương trình dự kiến ban đầu về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 này, phần đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được dành trọn cả buổi chiều nay. Đó sẽ là một thay đổi so với thông lệ. Tuy nhiên, chương trình sau đó đã được điều chỉnh và thời lượng cho phần chất vấn Thủ tướng Chính phủ thu lại trong khoảng 1 tiếng 30 phút.

Phương Thảo/Dân Trí

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều