+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Kêu khó thì đừng xin vốn đầu tư công về, mang tiếng

Tùng Lâm - 07/07/2020 18:08

Thủ tướng nhận định giải ngân đầu tư công đang bị ùn ứ ngay ở các địa phương, nơi mà trước đó các lãnh đạo tỉnh xin nhiều vốn không triển khai.

Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đạt 33,1% dự toán, tuy có khá hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 28,56%) song nếu so với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang) thì mới đạt xấp xỉ 29% dự toán. Đáng chú ý, giải ngân vốn ngoài nước mới đạt 10,2% dự toán năm 2020.

Nhắc lại con số 700 nghìn tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Vấn đề giải ngân đầu tư công đang bị ùn ứ ngay ở các địa phương, nơi mà trước đó các lãnh đạo tỉnh xin nhiều vốn của Trung ương mà không triển khai. “Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trước kia việc điều chuyển vốn phải được Quốc hội phê duyệt, nhưng Quốc hội mới đây đã giao thẩm quyền điều chuyển vốn cho Thủ tướng. Vì vậy, nơi nào, ngành nào không làm tốt sẽ bị điều chuyển ngay và tinh thần là điều chuyển vốn ngay trong tháng 8/2020.

“Các tỉnh cần quán triệt nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào. Các bộ, địa phương phải thành lập đoàn kiểm tra do đích thân Bộ trưởng, trưởng ngành làm chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Qua đó cần kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được”, Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh: “Lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công. Có bí thư, chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng xin về không triển khai, giao khoán cho bên dưới, không động tĩnh gì, nhất là giải phóng mặt bằng. Đi đâu cũng kêu khó về giải phóng mặt bằng. Kêu khó thì đừng có xin về, mang tiếng”.

Về cấp TƯ, Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ nửa tháng họp một lần, có triệu tập các Phó Thủ tướng tham dự bàn về tình hình giải ngân đầu tư công.

“Thời gian tới, bí thư, chủ tịch, các giám đốc sở, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn…Nếu cứ nói sơ sơ, không phê bình, đấu tranh thì làm sao giải ngân được? Cần chế tài mạnh trong vấn đề này”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Đến nay ngân sách nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; Chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Bài mới
Đọc nhiều