+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Giải ngân chậm tạo ‘nút thắt cổ chai’ với nền kinh tế

26/09/2019 14:21

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý 4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế.

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng.

Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.

Thủ tướng: Giải ngân chậm tạo 'nút thắt cổ chai' với nền kinh tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Làm tốt cũng nói, làm không tốt cũng phải nói ra 

Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế, không phải năm nay mà nhiều năm qua nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp.

Cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, Thủ tướng nhấn mạnh 4 hậu quả lớn.

Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, trong khi còn một khối lượng lớn vốn ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Thứ hai là vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.

Thứ tư là DN, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Thủ tướng đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân.

“Các đồng chí nói là mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế… nhưng có nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt, 70-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa. Nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10-15%. Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: “Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”.

Thủ tướng yêu cầu đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, mạnh mẽ hơn để công tác giải ngân tốt hơn cũng như rút kinh nghiệm để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn.

“Làm tốt cũng nói, làm không tốt cũng phải nói ra để rút kinh nghiệm chung”, Thủ tướng lưu ý quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để nơi khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

“Điểm mờ” trong bức tranh sáng

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế.

Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.

Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%.

Nhiều bộ, cơ quan TƯ và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan TƯ và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan TƯ và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Bộ KH-ĐT đánh giá, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng qua cơ bản tương tự như các năm trước, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân của thực trạng này là do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu. Chủ yếu họ thực hiện các công việc này vào thời điểm kết thúc năm nên xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm.

Ngoài ra còn có do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.

Theo tổng hợp của Bộ KH-ĐT, nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công; việc thực hiện một số luật liên quan còn nhiều lúng túng.

Ngoài ra còn do mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài…

Thêm vào đó là công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch…

Còn việc giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân.

Cùng với đó, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Thu Hằng/Vietnamnet

Bài mới
Đọc nhiều