Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Sáng ngày 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Cùng dự cuộc gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 60 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu.
“Tất cả vì học sinh thân yêu”
Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ:
Toàn ngành Giáo dục rất vui mừng khi được biết Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2021 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trồng người cao quý, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của ngành.
Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo. Đội ngũ giáo viên với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!.
Các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại điện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước. Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Đó cũng là các giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế – xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19,…
Được gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ là niềm vinh dự lớn của các thầy cô, với mong muốn được nhận những chia sẻ, động viên của Thủ tướng. Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần ‘Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam’.
Vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề
Tại cuộc gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ suy nghĩ, nêu những giải pháp, kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp trồng người.
Thầy Lê Văn Giáo (Trường THCS Nguyễn Du – huyện Quảng Xương – tỉnh Thanh Hóa) nói:
Là một nhà giáo, tôi vô cùng xúc động và biết ơn những nghĩa cử, những ân tình, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các bậc cha mẹ học sinh, của toàn xã hội dành cho tôi và bao đồng nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc!
Với tôi, dạy học là nghề tôi lựa chọn, cũng là nghề tôi đam mê. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Người thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao, người thầy giáo phải là “Tấm gương cho học sinh noi theo”.
Tôi may mắn được giảng dạy tại một trường trọng điểm chất lượng cao hàng đầu của tỉnh là trường THCS Nguyễn Du – ngôi trường có bề dày thành tích trong ngành giáo dục tỉnh nhà. Từ ngôi trường của chúng tôi, bao học trò nhỏ như những cánh chim được sải cánh bay xa đến biết bao chân trời rộng mở khắp cả nước. Tôi tự hào về những thành quả mà các đồng nghiệp của tôi dày công vun trồng. Trong trang thành tích đó của nhà trường, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc bởi mình có những đóng góp nhỏ bé mà bền bỉ suốt 20 năm qua với những thành quả sau:
Thật vinh dự và tự hào, với tình yêu, trách nhiệm với nghề, với sự cố gắng, nỗ lực miệt mài, với những đóng góp của mình, tôi đã được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú năm 2021. Đây là vinh dự lớn không chỉ của cá nhân tôi mà còn là của gia đình, nhà trường, của ngành giáo dục huyện và tỉnh nhà.
Tự hào và yêu nghề bao nhiêu, tôi càng trân quý những người thầy, người cô đi trước với những đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục; trân quý tình cảm yêu mến, sự tin tưởng mà xã hội dành cho chúng tôi.
Tự hào là “Kỹ sư tâm hồn”, người kiến tạo tương lai
Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn: Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, tôi đã có 9 năm công tác tại trường Mầm non xã Bằng Lãng – huyện Chợ Đồn- Tỉnh Bắc Kạn, nơi tôi công tác cách trung tâm thị trấn 8 km là một ngôi trường nhỏ với gần 100 cháu học sinh 100% là người dân tộc thiểu số.
Nhiều học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, có cháu không đủ điều kiện để đi học, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo đã kiên trì vận động từng gia đình để các con có thể được học những con chữ. Các thầy cô kiên trì bám bản mặc dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường gieo từng con chữ với mong muốn ngày mai sẽ tươi sáng với các con.
Có những trường, phụ huynh nghèo quá, một bữa cơm có thịt là cả một niềm mơ ước đối với các con, mỗi ngày đi học là một ngày mang cơm độn ngô, khoai, hay có khi chỉ vài hạt cơm với vài sợi mì tôm chan nước … Lúc đó không ai bảo ai, các cô giáo lại góp tiền, góp công để giúp đỡ những bữa ăn cho các con tươm tất…
Còn nhiều… nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn trên tỉnh miền núi Bắc Kạn. Nhưng tôi nghĩ rằng những khó khăn đó không bao giờ có thể làm nản chí các thầy cô giáo và các học trò của mình.
Bản thân tôi cảm thấy may mắn hơn những bạn đồng nghiệp rất nhiều vì được dạy ở một ngôi trường tuy khó khăn vất vả, thiếu thốn về cơ ở vật chất, điều kiện kinh tế nhưng chưa phải là vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Tôi càng thêm kính trọng những người bạn, người đồng nghiệp cả cuộc đời vì học trò thân yêu, và luôn lấy những tấm gương sáng đó dể noi theo và học tập.
Cũng như bạn bè và đồng nghiệp, tôi tự hào vì mình là “Kỹ sư tâm hồn”, là người kiến tạo tương lai. Tôi xin được cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà Nước đã tạo cơ hội cho những giáo viên chúng tôi được tham dự buổi lễ ý nghĩa này.
Cô Lê Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám, tỉnh Hoà Bình:
Đến thời điểm hiện tại, thầy và trò ngành GD&ĐT tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp. Trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn thì được đến trường dạy học trực tiếp thực sự là hạnh phúc với thầy và trò chúng tôi. Để có được niềm hạnh phúc đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị địa phương đã thực hiện tốt sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tôi cũng xin dành tình cảm, sự chia sẻ chân thành nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh ở các địa phương vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà chưa thể đến trường. Tôi cảm nhận được đầy đủ sự mất mát to lớn, sự xáo trộn nặng nề mà dịch bệnh COVID-19 đã gây ra cho biết bao gia đình và nhất là với các em nhỏ. Hôm nay, được về với Thủ đô ngàn năm văn hiến, được đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ là niềm vui, niềm tự hào, là dấu ấn tốt đẹp trong cuộc đời nhà giáo của tôi cũng như các thầy giáo, cô giáo đang hiện diện tại đây.
Lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu
Cô Lê Thị Xuân Diễm, Trường THPT Lê Quý Đôn, Bến Tre: Xã hội càng phát triển đòi hỏi người thầy cũng phải đổi mới không ngừng khi xã hội đã đặt lên vai người giáo viên chúng ta trọng trách vô cùng lớn “Dạy chữ và dạy người”.
Tôi luôn tự nhủ rằng “kiếp tằm phải trợ nợ dâu”, tôi biết ơn xã hội, biết ơn phụ huynh và học sinh vẫn luôn tôn vinh nghề giáo vẫn và gửi vào chúng ta niềm tin.
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” vì thế chúng ta hãy cùng nhau cố gắng và phải càng cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. Hãy lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu. Chỉ có chất lượng, hiệu quả giáo dục mới khẳng định được vị thế của ngành giáo dục.
Được tham dự các hoạt động “tri ân thầy cô” hôm nay, tôi hiểu được rằng: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, luôn đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng ta có quyền hy vọng rằng với sự nỗ lực, đồng thuận của các cấp, sự chỉ đạo kịp thời của ngành sẽ là nền tảng của sự thay đổi thành công.
Đưa giáo dục nghề nghiệp bước lên những đỉnh cao mới
Thầy Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với hơn 1.900 cơ sở, từ các trường Cao đẳng đến các trung tâm GDNN công lập và tư thục; mỗi năm tuyển sinh và đào tạo hơn 2 triệu người. Trong những năm qua GDNN Việt Nam đã và đang ngày đêm miệt mài đào tạo hàng chục triệu công nhân kỹ thuật và người lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hệ thống GDNN đã đào tạo ra hàng chục triệu người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là nòng cốt để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Với tư cách là một người đã từng quản lý địa phương, tôi nhận thấy rằng trong quản lý địa phương có hai mặt then chốt đó là: An ninh và phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống GDNN đã đóng góp một tỷ lệ khá lớn những người lao động có tay nghề, có việc làm ổn định, từ đó góp phần vào sự ổn định xã hội, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mạnh mẽ trong những năm qua.
76 năm qua GDNN Việt Nam đã từng bước khắc phục những khó khăn để vươn lên,đã có nhiều ngành nghề tiệm cận và phát triển ngang tầm quốc tế, có nhiều sinh viên thi tay nghề quốc tế đạt giải cao.
Ở khu vực miền núi phía Bắc với đặc thù là địa hình phân bậc và chia cắt mạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế-xã hội, khó khăn trong tiếp cận giáo dục và khoa học kỹ thuật tiên tiến; hệ thống dạy nghề bằng sự năng động sáng tạo, đã dời thành thị mang nghề đến với nông thôn. Các nhà trường GDNN đã tổ chức hàng nghìn lớp dạy nghề đến các làng, bản, vùng núi, vùng sâu và thành quả thu được thật đáng khích lệ.
Ngày hôm nay, đứng giữa dải đất biên cương nhìn những thành tựu mà người dân chúng ta đã đạt được như những mảnh vườn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những rừng cây xanh tốt không kém gì đất nước bạn; những công xưởng, những nhà máy, khu công nghiệp… chúng tôi không khỏi tự hào về sự sự thay đổi thần kỳ này. Việc mang nghề đến nông thôn còn có một đóng góp không nhỏ giúp đồng bào ổn định kinh tế, giảm thiểu di cư tự do, giảm thiểu nạn phá rừng trái phép, người dân có thể yên tâm sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình và đặc biệt giúp cho hàng chục triệu người dân vùng núi có cuộc sống phát triển và ổn định.
Để có được những thành quả như đã nêu ở trên, chúng tôi hiểu rằng đó là kết quả của sự quan tâm với chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với GDNN. Điều này được thể hiện bằng những nghị quyết, cơ chế chính sách để GDNN của chúng tôi khắc phục khó khăn, vươn lên ngày càng khẳng định vị thế của mình với bạn bè quốc tế và khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó cũng không thể không nói tới những gian lao vất vả của các thầy, cô giáo trong hệ thống GDNN đang ngày đêm tận tụy với công việc của mình. Những cán bộ tuyển sinh phải trèo đèo lội suối, leo lên những con dốc núi dựng đứng để vận động tuyên truyền người dân; hơn thế nữa những cán bộ giảng viên đã gác lại những khó khăn bộn bề của cuộc sống để mang hết kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến với đồng bào, để gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và dạy nghề cho họ.
Chúng ta không thể không biết ơn tới những việc làm cao quý và sự hi sinh thầm lặng của cán bộ nhà giáo, nghệ sĩ trong hệ thống GDNN, vì chính họ đã mang niềm tin vào cuộc sống, vào Đảng, vào Chính phủ.
Trước những yêu cầu lớn lao từ thực tế đặt ra đòi hỏi GDNN của đất nước trong những năm tới cần đột phá mạnh mẽ để vươn lên đào tạo ra những cán bộ kỹ thuật có trình độ, kiến thức kỹ năng để phát triển kinh tế-xã hội, song hành cùng sự phát triển của đất nước, song hành cùng sự phát triển của dân tộc.
GDNN, với đặc thù là đầu tư ban đầu lớn, chi phí đào tạo cao và người học phần lớn là những người khó khăn nên rất khó thu hút đầu tư tư nhân, trong nhiều năm nữa, đầu tư công cho GDNN vẫn là chủ đạo. Vì vậy, xin kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết:
1-Quy hoạch mạng lưới các trường nghề phù hợp với Quy hoạch quốc gia, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong quy hoạch Quốc gia.
2- Xây dựng chiến lược đào tạo nghề quốc gia và các dự án thành phần, có cơ chế, có lộ trình chi tiết, có đích đến là người lao động Việt Nam giỏi nghề, có năng lực làm việc tốt trong và ngoài nước.
3- Xây dựng cơ chế cụ thể, chi tiết và thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực: (1) Thành lập cơ sở GDNN; (2) Tham gia đào tạo nghề cùng các trường nghề; (3) Tuyển dụng lao động.
4- Ban hành Nghị định về đặt hàng đào tạo với những ngành nghề trọng điểm quốc gia, trước mắt, có cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học nghề trọng điểm với những đối tượng khó khăn.
Tại Lào Cai, thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng, tỉnh đã sáp nhập các cơ sở GDNN trên địa bàn thành Trường Cao đẳng Lào Cai. Trải qua 3 năm sáp nhập, đã chứng minh hiệu quả và sự đúng đắn của Nghị quyết 19 trong thực tế. GDNN trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã xác định xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Lào Cai là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, là tỉnh nghèo nên Lào Cai rất cần sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để Lào Cai có thể xây dựng một Trường Cao đẳng chất lượng cao cho tỉnh và cho nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc.
Trải qua thực tế làm ở nhiều cương vị khác nhau từ quản lý sản xuất kinh doanh đến quản lý điều hành địa phương, nay là cơ sở GDNN tôi nhận thấy GDNN là một trong những lĩnh vực giáo dục đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng tôi đã và đang gặp những khó khăn không nhỏ trong hoạt động của mình: Chất lượng học sinh, sinh viên đầu vào còn thấp (chênh lệch xa so với đại học), điều kiện kinh tế của các gia đình có con em đi học nghề không tốt bằng những gia đình có con em đi học ở phân khúc giáo dục khác. Vai trò của GDNN tại nhiều địa phương còn mờ nhạt, nhưng chúng tôi chỉ coi những khó khăn đó như những thử thách mà chúng tôi kiên quyết phải vượt qua, để đưa GDNN của nước nhà bước lên những vinh quang mới, những đỉnh cao mới.
PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng: Qua 30 năm công tác, tôi vẫn luôn tâm niệm, bất kỳ dù ở vị trí nào vẫn luôn cống hiến, đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Tôi xin đề xuất một số giải pháp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ban, ngành, hệ thống chính trị cho giáo dục nghề nghiệp, các thầy cô trong các trường giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, có những chính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện, bao trùm, đặc biệt là thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tình hình mới hiện nay.
Tôi rất rất xúc động với sự nêu gương, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đã truyền cảm hứng cho chúng tôi noi gương theo.
Rất mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng yếu thế, ở các trường dân tộc nội trú, những ngành nghề đặc biệt… Mong rằng chúng ta có những chính sách thu hút nhân tài, cũng như có những mô hình mới để phát triển các trung tâm đào tạo nghề quốc gia, hình thành hệ thống liên kết trong giáo dục nghề nghiệp, để lực lượng lao động ngang tầm với khu vực và thế giới.
Xin cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đồng hành, dành tình cảm cho giáo giục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên đóng góp hơn nữa, phấn đấu đạt được “mục tiêu kép” trong bối cảnh hiện nay.
Nguyện cống hiến bằng cả tài và đức của mình cho sự nghiệp trồng người
Thầy Nguyễn Viết Lâm, Giảng viên cao cấp khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng phát biểu: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”; “… những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo” …
Khi được nghe những ý đẹp lời hay như vậy, có lẽ không có bất kỳ thầy, cô nào lại không có cảm giác tự hào, vui sướng và bồi hồi xúc động về nghề nghiệp và vị trí nhà giáo của mình. Riêng đối với chúng tôi, gần 80 thầy, cô của Khối các trường đại học trực thuộc được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo ưu tú đợt này, nỗi xúc động và niềm vui nêu trên sẽ còn được nhân lên gấp bội.
Danh hiệu mà chúng tôi được trao tặng hôm nay thực sự là một danh hiệu cao quý; một món quà, một phần thưởng hết sức ý nghĩa, và đồng thời cũng sẽ là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong cuộc đời làm nghề giáo của mỗi người chúng tôi. Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao.
Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục làm việc và cống hiến bằng cả tài và đức của mình cho sự nghiệp trồng người, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW của Đảng, góp phần đẩy lùi và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và tất cả để sự nghiệp GD&ĐT của chúng ta thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.
Cô Mai Thị Kim Phượng, hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, huyện Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh: Thời gian vừa qua, TPHCM đã có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Thời gian đầu của giãn cách, các em học sinh gặp rất nhiều trở ngại. Có những em mất cả cha lẫn mẹ, cũng có những em hoàn cảnh vô cùng nghèo. Các thầy cô tự nhủ bằng mọi giá phải tạo điều kiện cho các em được học, các nhà giáo đã cùng nhau ủng hộ cơ sở vật chất để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngành giáo dục thành phố cũng hỗ trợ thiết bị để cho các em học.
Cũng trong thời điểm đầu của thời gian giãn cách xã hội, việc đem sách, thiết bị tới cho các em rất khó khăn. Nhưng thời tới điểm hiện tại, các em được tham gia học trực tuyến. Các thầy cô cũng mày mò, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, để công tác dạy và học duy trì hiệu quả nhất có thể.
Hôm nay, được đại diện cho ngành giáo dục TP.HCM, tôi xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho TPHCM. Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản vượt qua khó khăn, giúp các em học sinh thực hiện tốt việc học, góp phần thực hiện mục tiêu “trồng người” của ngành và cả nước.
Chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe thêm phát biểu của các thầy, cô giáo từ TPHCM, nơi ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong thời gian qua cũng như từ miền Trung, nơi luôn bị tác động mạnh mẽ bởi thiên tai, bão lũ…
Phải đặt an toàn của các em học sinh lên trên hết
Cô Hồ Thị Tuyết, giáo viên Trường Trung học cơ sở Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chia sẻ về những ngày thiên tai, bão lũ: Sau những trận lũ, nhiều học sinh hỏi: “Cô ơi, sáng nay có đi học được nữa không?”. Cô chỉ có thể trả lời: Nếu việc đến trường không an toàn thì các em nghỉ, phải đặt an toàn của các em lên trên hết.
Tuy khó khăn như vậy, nhưng thầy trò của vùng đất này luôn cố gắng, nỗ lực cao nhất để vươn lên. Nhiều đêm lũ về đột ngột trong đêm, nhiều học sinh không kịp phòng tránh lũ, ướt hết sách vở, quần áo… Các em nói, “cô ơi cho em nghỉ học, vì bây giờ em không có áo quần khô để đi học”. Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, của cả nước, các em đều nhanh chóng được đến trường. Khi nhìn những đoàn xe cứu trợ từ khắp mọi miền Tổ quốc với dòng chữ “tất cả vì miền Trung ruột thịt”, chúng tôi thấy rất ấm lòng và luôn động viên các em học sinh nỗ lực, cố gắng hơn nữa khi chứng kiến tình cảm, sự quan tâm của đồng bào cả nước, tất cả chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng.
Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã thay đổi tới 6-7 thời khóa biểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên và học sinh cố gắng, nỗ lực để làm sao vừa dạy và học, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch. Tôi xin chia sẻ khó khăn, đồng thời bày tỏ cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước và chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tình cảm đó.
Bão lũ không thể dập tắt ngọn lửa yêu nghề
Cô Lê Thị Uyên, Giáo viên trương THPT Nguyễn Thiện Thuật, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên: Tôi không phải giáo viên đến từ miền Trung, nhưng chồng tôi là nhà giáo tại tỉnh Hà Tĩnh. Cứ mỗi lần lũ về, gia đình lại vô cùng trăn trở. Trong hoàn cảnh ấy, cứ 3,4 ngày không thể liên lạc với chồng và 2 con, tôi rất lo lắng. Khi liên lạc được, hình ảnh lũ lụt, nước biển lấn sâu vào đất nước, mênh mông trên những mái nhà khiến tôi và nhiều người vô cùng xót xa. Khó khăn chồng chất khó khăn, dịch bệnh cũng xảy ra với vùng lũ.
Quá nhiều trẻ em miền Trung thiếu thiết bị để học trực tuyến. Tôi cũng rất thương các thầy cô miền bão lũ vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn. Điều tôi mong ước hiện nay là ngọn lửa nghề trong mỗi chúng ta đừng bao giờ dập tắt, ngọn lửa yêu nghề cần tràn đầy hơn nữa, tiếp thêm năng lượng đến từng học sinh, hãy mang con chữ đến mọi vùng sâu vùng xa, vùng “rốn lũ”. Mong Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ban ngành có chính sách tốt để hỗ trợ cho giáo viên tại miền Trung và những vùng khó khăn của cả nước.
Cô Lâm Yến Phương, Giáo viên Trường Trung học cơ sở Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ vinh dự được ra thăm Lăng Bác và dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ. Khẳng định năm học vừa qua là năm học đặc biệt nhất trong cuộc đời giáo viên, cô cho biết, ngoài công việc giảng dạy, cô còn tham gia vào hoạt động vận động các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ các em học sinh gặp khó khăn. Nhấn mạnh lòng tự hào với công việc nhà giáo, trong một gia đình có truyền thống dạy học, cô bày tỏ mong Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm tới ngành giáo dục nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng còn nhiều khó khăn.
Cô Lê Thị Hạnh, Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Na Loi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An: Những năm gần đây, thiên tai, bão lụt gây ảnh hưởng rất lớn đến tỉnh Nghệ An. Là giáo viên công tác vùng sâu vùng xa đến nay hơn 20 năm, tôi thấy trang thiết bị cho giáo dục ở các khu vực miền núi còn thiếu. Vừa qua, khi dịch COVID-19 diễn ra, các thầy cô dạy học trực tuyến nhưng học sinh lại không có trang thiết bị, Các thầy cô cắm bản để gieo chữ cho học sinh, có bản xa trường 20km, có bản không có học sinh, có bản 1-2 học sinh. Tôi rất mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện về trang thiết bị, vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Thầy Nguyễn Khánh Cường, Trường Cao Đẳng Công nghệ Lilama2, tỉnh Đồng Nai: Đợt dịch vừa qua, tỉnh Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh, đặc biệt tại nhiều khu công nghiệp. Các học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các em năm nay tốt nghiệp. Việc học, dạy và đào tạo nghề cần thực hành mới có thể triển khai được. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức dạy học “3 tại chỗ” để khắc phục những khó khăn, thể hiện được tinh thần cùng ăn, ở và hướng dẫn sinh viên học.
Bên cạnh đó, trường chúng tôi được Chính phủ Đức hỗ trợ để xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề của đất nước, chúng tôi đã đào tạo được nhiều nhân lực cao cấp cho các tập đoàn quốc tế lớn. Trường cũng có trên 50 giáo viên dạy nghề đạt chứng chỉ đạo tạo nghề của Đức.
Cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã tạo điều kiện để các thầy cô có thể phát biểu về những trăn trở, suy nghĩ. Chia sẻ những đặc thù trong công việc dạy các em học sinh khuyết tật, cô nhắc lại một câu nói rằng giáo dục hòa nhập là đỉnh cao của giáo dục, để nhiều em được đến trường hơn, ít nhất là giúp các em tự phục vụ được bản thân mình. Cô kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về vấn đề định mức lao động, biên chế của các trung tâm giáo dục hòa nhập, hiện chưa có văn bản pháp quy quy định về nội dung này.
Cần có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm
Cô Nguyễn Thị Duyên, Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Hà Tĩnh là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, thiên tai, là vùng đất nghèo nhưng hiếu học. Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành, động viên, hỗ trợ các tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn.
Chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực, phát triển văn hóa truyền thống của quê hương có các danh nhân như Nguyễn Công Trứ, đại thi hào Nguyễn Du…với tinh thần: “Tiền nhân tỏa sáng tâm tài, hậu thế rạng ngời đức trí”, mong muốn các học sinh có thể phát triển toàn diện từ thể chất, kỹ năng, ngoại ngữ, năng lực, trí tuệ, tâm hồn để trở thành công dân toàn cầu.
Là Giáo viên THPT, tôi rất trăn trở về giáo dục hướng nghiệp làm thế nào để có sự phù hợp giữa đào tạo và nhu cầu công việc thực tế để không lãng phí thời gian, tiền của, đặc biệt không lãng phí nhân tài.
Tôi cũng mong muốn chính sách thu hút nhân tài vào ngành sư phạm. Thực tế những học sinh giỏi của bậc THPT không lựa chọn vào sư phạm ngoại trừ những học sinh có đam mê với nghề giáo. Do đó, cần có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm và giáo viên trẻ có năng lực.
Thầy Nguyễn Quốc Tuấn từ Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản chia sẻ về những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ các trường nghề trên cả nước trong việc góp phần khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng lao động thời gian qua. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng và các đại biểu về hoạt động của trường, cho biết nhà trường nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao các học viên tốt nghiệp của nhà trường – vốn là bộ đội, công an xuất ngũ. Hai đại biểu đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách với hoạt động đào tạo nghề, trong đó có đối tượng bộ đội, công an xuất ngũ, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn…
Minh Ngọc