+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng Đức muốn tiếp tục kinh doanh năng lượng với Nga

07/03/2022 21:34

Thông tin trên vừa được đài RT (Nga) phát trên kênh Telegram cách đây ít phút.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định châu Âu đã “cố tình” chừa lại lĩnh vực năng lượng Nga khi tung ra các đòn trừng phạt.

“Hiện tại, châu Âu chưa thể thay thế nguồn năng lượng để sưởi ấm, di chuyển, cung cấp điện và sản xuất công nghiệp bằng một nguồn khác.

Do đó [năng lượng Nga] có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công và cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu”, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh việc tìm nguồn năng lượng thay thế không thể diễn ra “chỉ sau một đêm”.

Thị trường thế giới ngày hôm nay (7/3) vừa chứng kiến giá dầu tăng sốc: từ 3.000, lên 3.600, rồi lên hơn 3.800 USD/1.000 mét khối khí đốt trước khi giảm xuống mốc 3.000 USD/1.000 mét khối.

Mặc dù đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây vẫn chưa chạm đến lĩnh vực năng lượng của Nga, nhưng thế giới trong những ngày gần đây đã nếm trải hậu quá gián tiếp từ các đòn trừng phạt nhằm vào Nga vì Ukraine.

Theo EurActiv, hôm 6/3, các Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao của Đức cũng đã cảnh báo về hậu quả và phản đối việc cấm vận nhập khẩu năng lượng của Nga khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao của nước này liên tục kêu gọi phương Tây giáng đòn vào lĩnh vực năng lượng.

Trong ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ Washington cùng các đồng minh đang “tích cực thảo luận” về đòn cấm vận nhằm vào các mặt hàng năng lượng của Nga.

“Chúng tôi hiện đang thảo luận rất tích cực với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu”, Ngoại trưởng Blinken nói với đài NBC News của Mỹ và khẳng định rằng những lệnh trừng phạt hiện có “đã có tác động tàn phá đối với nền kinh tế Nga”.

Tuy nhiên, về phía Đức – hiện đang nắm giữ cương vị chủ tịch luân phiên của G7 – Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 6/3 nói rằng việc trừng phạt ngành năng lượng của Nga là vô nghĩa vì điều này không thể duy trì lâu dài.

“Sẽ chẳng có ích gì nếu như trong vòng 3 tuần, Đức chỉ còn đủ năng lượng duy trì điện năng trong vài ngày – do đó chúng tôi phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực này”, bà Baerbock nói.

Trong cuộc phỏng vấn riêng sau đó, bà Baerbock đã nói thêm rằng Đức đã chuẩn bị “phải trả một cái giá kinh tế rất đắt”, nhưng “nếu một ngày mai Đức hay châu Âu không có điện, thì chúng tôi làm sao ngăn cản được những cỗ xe tăng.”

Đức là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ước tính nước này nhập khẩu khoảng 55% khí đốt và 42% dầu thô và than đá từ Nga.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng tỏ ra hoài nghi về lệnh cấm vận nhập khẩu dầu khí, và cho rằng thay vì tẩy chay năng lượng Nga, G7 nên tiếp tục nhắm tới các nhà tài phiệt đã trở nên giàu có dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga hiện đang đối phó với một làn sóng trừng phạt nhằm cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ví danh sách đen toàn cầu như một lời tuyên chiến đối với nước này.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều