Thủ tướng Đức Merkel chỉ trích việc Twitter cấm vĩnh viễn Tổng thống Trump là “có vấn đề”
Bà Merkel cho rằng dù Twitter đã đúng khi cảnh báo đối với nội dung các bài đăng của ông Trump, việc đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của ông làm dấy lên lo ngại về tự do ngôn luận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã lên tiếng chỉ trích quyết định của mạng xã hội Twitter trong việc cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng nền tảng của họ.
“Quyền tự do ngôn luận có ý nghĩa quan trọng căn bản,” phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Steffen Seibert nói với báo giới tại Berlin ngày 11/1 (giờ địa phương). “Do đó, Thủ tướng cho rằng việc các tài khoản [mạng xã hội] của Tổng thống [Mỹ] bị đình chỉ vĩnh viễn là có vấn đề.”
Seibert cho hay, trong khi Twitter làm đúng với việc gắn nhãn cảnh báo các tweet được cho là không chính xác của ông Trump về cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, việc cấm hoàn toàn tài khoản của ông chủ Nhà Trắng là hành động đi qua xa. Ông bổ sung rằng các chính phủ – chứ không phải những công ty tư nhân – mới cần đứng ra quyết định về bất kỳ giới hạn nào trong tự do ngôn luận.
Động thái của Twitter được đưa ra hôm thứ Sáu (8/1, giờ địa phương), hai ngày sau vụ người biểu tình ủng hộ Trump leo thang bạo lực trong vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ, làm gián đoạn phiên họp của lưỡng viện để xác nhận kết quả bầu cử thắng lợi cho ông Joe Biden.
Vụ biểu tình bạo lực kéo theo hàng loạt kêu gọi từ phía đảng Dân chủ, yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án số 25 để bãi miễn chức vụ của Tổng thống Trump, đồng thời các lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội cảnh báo đang xúc tiến các thủ tục tiến hành luận tội, dù chỉ còn ít ngày nữa ông Trump sẽ mãn nhiệm.
Bên cạnh Twitter, một mạng xã hội quy mô toàn cầu khác là Facebook cũng áp đặt lệnh cấm tương tự với Trump.
Theo đài DW (Đức), dù các khảo sát ở Đức cho thấy sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận nước này đối với việc các mạng xã hội đình chỉ Trump, một số chính khách và quan chức châu Âu vẫn tỏ ra lo ngại.
“[Lệnh cấm của Twitter] là có vấn đề bởi chúng ta phải đặt câu hỏi nó được đưa ra trên cơ sở nào, dựa vào các điều luật nào và mang ý nghĩa thế nào đối với các hành động trong tương lai của những nền tảng mạng xã hội,” nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội tại Quốc hội Đức Jens Zimmermann nói với DW.
“Chúng ta đang đề cập người đứng đầu nhà nước của một nước dân chủ. Rõ ràng ông Donald Trump không được yêu mến tại Đức. Nhưng dù sao thì điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai thắng cử.”
Thủ tướng Merkel thường được mô tả là nhà lãnh đạo thực tế của Liên minh châu Âu (EU). Theo CNBC, phát ngôn quan ngại về quyết định của Twitter nhằm vào ông Trump là một bất ngờ. Bà Merkel thường xuyên bất đồng với ông Trump trong các năm qua, và quan hệ giữa Mỹ-Đức có chiều hướng đi xuống.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock và Ủy viên phụ trách vấn đề công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton, cũng đặt nghi vấn về quyền lực của các công ty công nghệ và nhu cầu về quy định để quản lý các công ty này.
“Thực tế một CEO có thể ‘rút loa phát thanh’ của Tổng thống Mỹ mà không cần bất kỳ sự kiểm tra hay cân bằng nào là phức tạp,” Breton nêu trong bài phân tích trên trang Politico (Mỹ). “Điều này không chỉ xác nhận quyền lực của các nền tảng này, mà còn phô bày sự yếu kém sâu sắc trong cách thức tổ chức xã hội của chúng ta trên không gian số.”
PV