Thủ tướng đúc kết ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu sau 2 năm chống dịch
Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần 2 năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản đồng tình với các báo cáo, đặc biệt là dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19, bổ sung một số ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn.
Qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Các ý kiến cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. Các số liệu về ca mắc mới, số ca điều trị khỏi khẳng định kết quả phòng chống dịch; số tử vong đang từng bước được kiểm soát, nhất là tại những điểm nóng đang có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần. Vừa qua có xuất hiện một số ổ dịch mới, nhưng do đã có kinh nghiệm và với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện tốt nên chúng ta kiểm soát được ngay.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng hết mình của các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các địa phương vùng ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ…, các lực lượng tuyến đầu, các bộ ngành, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt, các tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng, cá nhân tình nguyện, cùng sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt kết quả nhất định trong phòng chống dịch. Thủ tướng đồng thời cảm ơn sự ủng hộ, vào cuộc rất tích cực, nhanh chóng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải quyết các đề xuất của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch. Công tác an sinh xã hội nhiều nơi làm tốt nhưng nhiều nơi làm chưa tốt; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần chủ trì tăng cường giám sát, kiểm tra công tác này. Việc chuẩn bị “4 tại chỗ” cần cố gắng hơn nữa.
Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm được các đại biểu nhấn mạnh tại cuộc họp.
Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.
Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, TP. Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ra ca mắc nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, tới từng hộ gia đình, từng thôn, ấp, khu dân cư, xét nghiệm thần tốc diện rộng theo địa bàn, đối tượng nguy cơ. Tinh thần là phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhiều mất mát khác, nhất là về tinh thần, sức khỏe, tính mạng người dân.
Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.
Minh Ngọc