Thủ tướng: Đủ nguồn cải cách tiền lương đến 2026
Sáng 23/10, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch 2024 tại Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc cải cách chính sách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27 Trung ương sẽ thực hiện từ 1/7/2024. Lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương với khu vực doanh nghiệp cũng sẽ được điều chỉnh.
Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực. Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm.
Theo đó, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Từ 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được điều chỉnh tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).
Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nội dung cải cách tiền lương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 9 tháng qua, Việt Nam đã đưa vào sử dụng gần 660 km cao tốc, nâng tổng chiều dài các tuyến cao tốc toàn quốc lên 1.822 km. Các tuyến cao tốc đã hoàn thành năm 2023 là Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, Vân Đồn – Móng Cái, Phan Thiết – Dầu Giây, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu.
Nhiều dự án lớn được khởi công gồm 12 đoạn cao tốc Bắc Nam; 3 dự án trục Đông Tây; nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất; sân bay Long Thành. Dự kiến 5 cao tốc được khởi công cuối năm nay là đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa; Rạch Sỏi – Bến Nhất; Gò Quao – Vĩnh Thuận; Chợ Chu – ngã ba Trung Sơn; Hòa Liên – Túy Loan; hoàn thành tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ trong đó có cầu Mỹ Thuận 2.
Năm 2024, Chính phủ phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia và triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu toàn quốc có 3.000 km năm 2025.
Một loạt mục tiêu cũng được Chính phủ đặt ra cho năm 2024 như GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 4,8-5,3%; lao động qua đào tạo 69%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu một triệu ha đất trồng lúa sạch, ít phát thải carbon để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được chú trọng, gắn với nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đến 2030, Việc Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn; triển khai đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra hai đợt với 22 ngày, trong đó đợt một 15 ngày (23/10-10/11), đợt hai 7 ngày (20-28/11).
Đông Duy