+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh, một số đã vươn tầm quốc tế

Bích Ngân - 04/10/2024 11:40

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam vào sáng hôm nay ngày 4/10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc gặp mặt là để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Đặc biệt trong những lúc đất nước khó khăn như chống đại dịch COVID-19, phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam ngay sau ngày thành lập nước (ngày 13-10-1945), Thủ tướng cho rằng Ngày Doanh nhân Việt Nam là để khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho nhân dân.

Do vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam – những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.

Đánh giá đội ngũ doanh nhân đã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, một số doanh nghiệp phát triển vươn tầm quốc tế. Do đó, Thủ tướng mong muốn trong buổi gặp mặt này, các doanh nhân sẽ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển đất nước, doanh nghiệp doanh nhân.

Từ đó các doanh nhân đưa ra các góp ý để làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Đặc biệt góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển.

Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, với vai trò doanh nghiệp, doanh nhân là nòng cốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện có 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đến nay lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều. Điều này thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới gấp 5 lần so với kỳ trước.

Tuy nhiên ông Dũng nhìn nhận sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược.

Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.

Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều