Thủ tướng: Doanh nghiệp làm lớn, đừng sợ thất bại
Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu, tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2045 trở thành Quốc gia Thịnh vượng, với những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới doanh nghiệp phải dám nghĩ lớn, làm lớn, chống trì trệ trong mỗi chúng ta.
Mở đầu khai mạc Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đã có một Việt Nam hào khí từ cách đây hàng chục năm, khi người dân sống trong các chiến thắng giành Độc lập dân tộc 30-4, chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, ngày hội của người lao động 1-5, ngày chiến thắng của Hồng quân Liên Xô.
Đặc biệt sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà máy điện Bờ Hồ, nhấn mạnh quyết tâm, khôi phục kinh tế nâng cao đời sống toàn dân, đó là động viên vô cùng quý giá, khôi phục kinh tế. Tháng 5 cũng là tháng lịch sử khi non sông Việt Nam sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Thủ tướng là một tháng đẹp nhất và có ý nghĩa quan trọng ở Việt Nam.
Trong bối cảnh chúng ta đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt lịch sử, do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra. Hiếm có biến cố y tế nào mà tác động của nó đến đời sống, kinh tế lớn như vậy, ảnh hưởng sức khoẻ, mạng sống tới hàng tỉ người, gần nửa dân số thế giới bị ảnh hưởng do lệnh đóng cửa và giãn cách xã hội.
Việt Nam: điểm sáng chống dịch và phát triển kinh tế nhờ vào nội sinh
Ở phương diện kinh tế, khủng hoảng y tế tác động đến cung, cầu, thị trường tài chính đến kinh tế, sản xuất tiêu dùng, hàng không du lịch đến nội thương, ngoại thương… bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi tác động.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh ở biến cố nào của lịch sử thì loài người vẫn chiến thắng, đặc biệt là những đối tượng chủ động thích nghi. Và đến nay những doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có năng lực thích nghi tốt nhất.
Dẫn chứng là nhiều địa phương như TPHCM, cho biết chỉ 3% rời thị trường còn lại 97% đang chờ đợi trở lại thị trường, với mức tăng trưởng hơn 1%. Còn Hà Nội tăng trưởng trên 3,5%; Hải Phòng tăng 14,9%…
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm 3,5% trong năm nay, đánh dấu cuộc suy thoái lớn nhất kể những năm 1930 trở lại đây. Nhiều nền kinh tế lớn, hay các nền kinh tế mới nổi, trong đó có ASEAN đều được dự báo tăng trưởng âm.
Riêng với Việt Nam, WB dự báo tăng 4,9%, Fitch Ratings đưa ra là 2,8% nhưng quý I ta đã đạt 3,8% – tăng thấp nhất trong nhiều năm nhưng là mức tăng trưởng cao nhất trong ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế, cải cách thể chế, để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và sớm bùng lên khi kiểm soát dịch.
Ông nhấn mạnh mô hình chống dịch của Việt Nam được nhiều nước tổ chức quốc tế đánh giá cao, trong 23 ngày chưa có ca nhiễm mới trong cộng đồng (trừ các ca nhiễm từ nước ngoài về), chưa có người tử vong.
Kết quả đạt được, là do dân tộc ta có sẵn tính đề kháng và tinh thẩn kỷ luật, tuân thủ của người dân, cho thấy mỗi người hi sinh 1 phần lợi ích nhỏ thì ai cũng được lợi. Đảng nhà nước có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời và đồng bộ, ta không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng để cơ bản đẩy lùi, kiểm soát tốt COVID-19.
Trên lĩnh vực kinh tế, mặc dù tuân thủ giãn cách xã hội và gián đoạn nguồn cung nhưng vẫn đạt tăng trưởng cao về kinh tế, Việt Nam tích luỹ được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng gần đây, cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thế giới như nhiều ý kiến và chứng tỏ năng lực nội sinh của Việt Nam là vô cùng to lớn.
Hội nghị không bàn lùi, nói suông, than nghèo mà phải có kết quả
Thủ tướng dẫn chứng thị trường chứng khoán đi xuống nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có mức tăng cao, đó là doanh nghiệp đi vào sản xuất cốt lõi, lấy con người làm trung tâm, nên trong khó khăn không vẫn có tăng trưởng tốt.
Thời gian qua, nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành đã được ban hành, Tổng bí thư đặt ra vấn đề chống dịch nhưng đảm bảo phát triển, đời sống nhân dân. Thủ tướng cũng từng nhấn mạnh, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén mạnh, giờ là lúc bung ra, trên cơ sở cần thúc đẩy giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% và kiểm soát lạm phát 4%.
Theo đó, cần tập trung 5 mũi giáp công: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, trước hết tư nhân; thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích đầu tư công và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.
Hội nghị hôm nay được tổ chức trong bối cảnh, điều kiện khác, nên Thủ tướng yêu cầu phải thể hiện tinh thần yêu nước, phải có tinh thần hành động, quyết tâm mạnh mẽ, như lò xo bị nén lại và bật lên mạnh mẽ.
Thừa nhận còn nhiều nút thắt, song Thủ tướng lưu ý hội nghị này không phải là dịp bàn lùi, than nghèo, kể khổ, than vãn khó khăn, mà phải nêu trở ngại lớn. Chính phủ không trực tiếp giúp doanh nghiệp, nhưng sẽ hỗ trợ DN tăng năng suất, là nguồn gốc cho phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thực thi công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả.
Theo đó, đây là hội nghị kết tinh tinh thần yêu nước của người dân, doanh nghiệp, tái cơ cấu vượt lên yếu kém, đạt mục tiêu phát triển, là cơ hội tạo đoàn kết, niềm tin mà thể hiện tinh thần lao động là vinh quan, đóng góp quê hương, đất nước.
Doanh nghiệp, ngân hàng cùng chia sẻ, hợp tác đóng góp phát triển đất nước, bản thân, doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, lan toả mạnh mẽ và có chiều sâu cho người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh bằng mọi giá, hội nghị phải có kết quả cụ thể, không nói suông, nói rồi để đó mà thể hiện tinh thần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Trách nhiệm các bộ ngành phải sắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ trực tiếp doanh nghiệp với tinh thần cải cách và đổi mới, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới.
Đặc biệt cần lưu ý không phải quyền anh, quyền tôi mà vì đất nước, dân tộc, vì 100 triệu dân. Do đó, bộ ngành cần nêu rõ các chính sách hỗ trợ, cụ thể, trách nhiệm thay vì chỉ nói toàn chuyện biết rồi, quản lý cán bộ công chức để chống lại sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn.
“Hôi nghị phải nêu giải pháp mới, như thị trường, kết nuối chuỗi giá trị, tạo chất keo kết nối đứt gẫy, thuế, lao động, tín dụng. Ta đã có các chính sách an sinh, nên cần bàn chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy. Tinh thần chống trì trệ như chống dịch cần phải được thúc đẩy. Virut trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, virut trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, bộ ngành địa phương và chính doanh nghiệp” – Thủ tướng nhấn mạnh.
6 lưu ý với doanh nghiệp để đạt khát vọng Việt Nam Thịnh vượng
Thủ tướng cũng nêu ra 6 điều doanh nghiệp cần làm là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; Đoàn kết, hợp tác với nhau; Không nản trí bởi như vậy là tự mình bỏ cuộc, môi trường kinh doanh khó khăn thách thức; Năng động và quyết đoán; sáng tạo bởi thiếu sáng tạo tự mình tụt lại. Cần có niềm tin vì thiếu niềm tin tự mình trói bỏ mình.
Nhắc đến việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng XIII, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Quốc gia thịnh vượng vào 2045, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này và đặt câu hỏi: Tầm nhìn doanh nghiệp 2045 như thế nào? Doanh nghiệp sẽ ở đâu vào 2045?
Dẫn chứng Việt Nam đã có một số tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế như FTA, TH True Milk, Thaco, Vingroup,… vai trò của DNNN cũng đã phát huy như giảm giá điện, cung cấp gạo đầy đủ.
Nhưng ông cho rằng chưa có doanh nghiệp nào tầm cỡ thế giới trong top 500 doanh nghiệp, nên mục tiêu đặt ra là năm 2045, với 25 năm có thể đủ thời gian để có DN Việt Nam lớn mạnh tầm thế giới “Made in Vietnam”. Do đó, ông doanh nghiệp Việt Nam nghĩ lớn, làm lớn đừng sợ thất bại, có ước mơ và hành động, biến ước mơ thành hành động.
Sau thời gian chống dịch bệnh, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp Việt Nam, nên nếu không biết tận dụng, nắm bắt, thì doanh nghiệp FDI sẽ đến lấy. Ông dẫn chứng 4 tháng đầu năm cam kết FDI đạt 12 tỉ USD, tăng trở lại và cao hơn so với năm trước, cho thấy đầu tư của FDI tốt.
Thêm nữa là có hơn 80 tỉ USD rút khỏi quỹ đầu tư trái phiếu, thị trường mới nổi, nhưng Việt Nam vẫn được xếp hạng 12 thị trường mới nổi về tài chính, cho thấy tiềm năng của Việt Nam luôn bền vững ngay cả thời khắc khó khăn. Thị trường chứng khoán ngày hôm qua tăng trưởng tốt, nước ngoài mua ròng mạnh mẽ, chấm dứt bán ròng liên tục, sắc xanh phủ kín.
Việt Nam có cơ hội trong chuyển dịch chuỗi giá trị
Nhiều tổ chức đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm an toàn sau đại dịch, với nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay bảo đảm bảo an toàn; là nền kinh tế có sức chống chịu tốt… theo Thủ tướng đó là kết quả những năm gần đây kinh tế phát triển, cân đối lớn được củng cố, với hàng chục các FTA được ký kết…
Do đó, trước làn sóng chuyển dịch chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như ô cờ trung tâm trên bàn cờ vua, ông cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước, nên cần tận dụng cơ hội đó.
Với những thành quả đạt được 2019, nên việc hoàn thành mục tiêu 2020 là còn khó khăn, song Thủ tướng cho rằng mức độ thành công không phải chỉ những gì đã đạt được còn được đo đếm bởi trở ngại ta đã vượt qua.
Những lúc khó khăn là thể hiện bản sắc dân tộc, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh baị chúng ta mà để đánh bại nó. Thủ tướng trích dẫn hai câu trong bài “Tự khuyên mình” của Bác Hồ: Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” như lời động viên, khích lệ tới doanh nghiệp.