+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng đi Mỹ và những cơ hội được gọi tên

LS Lê - 25/04/2022 20:42

Sau khi nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sắp tới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại thủ đô Washington, vào ngày 12-13/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN tại Washington D.C. và có các hoạt động song phương tại Mỹ.

Đây chính là một trong những bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau sau 27 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cố tình không hiểu được vấn đề này mà lại phát ngôn rằng, Việt Nam nói riêng cùng các nước ASEAN nói chung đang “đu dây” Mỹ và Châu Âu. Lời buộc tội đó là vô căn cứ khi thực tế đã chứng minh Việt Nam ngoại giao dựa trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, mang lợi ích về cho dân tộc chứ không cần phải dựa dẫm vào một quốc gia hay tổ chức nào.

Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Không chỉ vậy đối ngoại còn là để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất. Đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý thức rõ ràng được điều đó, từ lâu Việt Nam đã luôn giữ vững Chính sách ngoại giao khôn khéo của mình: độc lập, tự chủ, tôn trọng pháp luật quốc tế và hợp tác cùng phát triển. Và chuyến thăm và làm việc với Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính càng khẳng định một bước tiến lớn khác trong chính sách ngoại giao khôn khéo đó của Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Gần đây, đại sứ Hoa Kỳ có tuyên bố, Mỹ muốn nhanh chóng nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành đối tác chiến lược. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp của hai bên thời gian vừa qua, chuyến đi lần này Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó cũng thảo luận và tìm hướng giải quyết cho một số vấn đề còn tồn đọng giữa Mỹ và Việt Nam nói riêng cũng như các nước ASEAN nói chung. Đó chính là ý nghĩa và mục đích chính của chuyến công du lần này.

Dựa vào năng lực ngoại giao của mình, Việt Nam không những nhận được sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế mà còn thu hút một lượng lớn vốn đầu tư và sự tương trợ, hợp tác về nhiều mặt có lợi cho quốc gia của mình. Điều này có thể lấy dẫn chứng thực tiễn từ lượng lớn vaccine Covid-19 và thiết bị y tế chúng ta nhận được từ quốc tế qua chính sách ngoại giao mềm dẻo, những hợp đồng hợp tác lên tới hàng tỷ USD với các cường quốc trên thế giới như Mỹ và Nhật Bản. Chưa kể đến việc, dù cho Châu Âu đang rất căng thẳng với Nga thì Việt Nam vẫn giữ quan hệ trung lập, hợp tác cùng phát triển với cả 2 bên chứ không hề bị lôi kéo đi theo một phe nào bởi vì Việt Nam chọn lẽ phải, chứ không chọn bên. Dù vẫn giữ quan hệ hợp tác song phương với Nga, nhưng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp quốc vẫn yêu cầu Nga – Ukraine tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bảo đảm an toàn và cuộc sống cho người dân.

Giống như Nguyễn Trãi đã từng viết trong Bình Ngô đại cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!”, chúng ta vẫn đang tiếp nối truyền thống cao đẹp đó trong chính sách đối ngoại của mình. Trước những xung đột từ bên ngoài, ta khiêm tốn nhưng không nhún nhường, ta có thể dĩ hoà vi quý nhưng tuyệt đối không để lợi ích của quốc gia và dân tộc mình bị đe doạ. Ví dụ như mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, gác lại những vấn đề chính trị liên quan đến biển Đông, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế chiến lược mang lại lợi nhuận cao cho Việt Nam. Nếu Chính phủ cũng chỉ có tầm nhìn “ngắn hạn” như các “nhà dân chủ mạng” nấp sau bàn phím, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chỉ vì vấn đề biển Đông thì chẳng phải nông dân, doanh nghiệp Việt sẽ là những nạn nhân đầu tiên hay sao? Và nếu đúng như “các nhà dân chủ mạng” đã nói, Việt Nam “đu dây” Châu Âu thì liệu đến bây giờ có còn giữ được nền chính trị độc lập, tự chủ không? Bởi vậy mới nói, đối ngoại không chỉ góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn là chìa khoá để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Phương châm “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đang cho thấy hiệu quả rõ nét. Nó khác với việc ngoại giao liên minh với những điểm hạn chế như việc không được tự do phát triển theo thế mạnh hoặc hoạch định đã đề ra, các hoạt động đều phải “dè chừng” hoặc có sự “cho phép”, đến việc phát ngôn cũng phải thuận theo ý của “người anh cả”. Ví dụ minh họa đó là Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia “thân” Mỹ, phải chi trả “phí bảo kê” cho Mỹ lên đến 1,9 tỷ USD (năm 2021), tuy nhiên bằng đó là chưa đủ, Mỹ đã “đòi” Nhật Bản chi 8 tỷ USD, Hàn Quốc chi 5 tỷ USD. Hoặc một ví dụ khác là các nước thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng là các quốc gia “thân” Mỹ, trong thời điểm Mỹ và Nga đối đầu với nhau tại chiến sự tại Ukraine thì các nước này đã phải rất đau đầu giải bài toán mang tên dầu mỏ, khí đốt từ Nga, bởi vì đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu mỏ từ Nga, nhưng vì ngả theo Mỹ nên phải “mạnh miệng” tuyên bố không nhập khẩu dầu, khí đốt từ Nga.

Trở lại với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN vào ngày 12 và 13/5/2022 tới đây, đây là Hội nghị mang tính chất rất quan trọng đối với ASEAN, và cũng rất quan trọng đối với Việt Nam. Nó quan trọng bởi lẽ thông qua Hội nghị này, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để phát triển như việc có thể nâng tầm quan hệ Mỹ – Việt từ mức toàn diện lên mức thành Đối tác chiến lược; thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Ứng phó Covid-19, an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, hợp tác hàng hải, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục… Đây chắc chắn là nơi Việt Nam thể hiện vai trò “anh cả” của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị trí, tầm quan trọng trước một quốc gia siêu cường và trên toàn thế giới…

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 5.

Thật tuyệt vời hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một “nhà gọi vốn” tài ba, một nhà đầu tư có tầm nhìn. Chuyến công du Nhật của Thủ tướng đem về 40 hợp tác thoả thuận trị giá 22 tỷ USD, còn chuyến công du Châu Âu lại đem về hợp đồng hợp tác đầu tư lên tới 30 tỷ USA. Điều này góp phần đưa thị trường cổ phiếu của Việt nam trên trọng số 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Chính vì lý do đó, chúng ta có cơ sở để tin rằng chuyến đi công du Hoa Kỳ sắp tới này của Thủ tướng sẽ là một cơ hội để mang về nhiều lợi ích cho quốc gia và dân tộc.

Từ bao giờ mà dựa vào ngoại giao để phát triển kinh tế và bảo vệ độc lập bị gọi là “đu dây”? Có chăng trước những thành tựu chưa từng có tiền lệ mà Việt Nam hiện nay đạt được làm dấy nên nỗi ghen ăn tức ở cho các thành phần chống phá. Mỗi người dân chúng ta có quyền tự hào và tin vào sự dẫn dắt của những người lãnh đạo đất nước. Bởi dân tộc chúng ta đang phát triển hơn bao giờ hết, thành tựu, tiềm năng của Việt Nam được thế giới công nhận và có đầy đủ số liệu, bằng chứng để chứng minh còn những lời buộc tội vô căn cứ kia không bao giờ có giá trị.

LS Lê 

Bài mới
Đọc nhiều