Thủ tướng: ‘Có bộ trưởng cả nhiệm kỳ không xuống vụ pháp chế làm việc’
Nêu thực tế lãnh đạo nhiều nơi còn chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng thể chế pháp luật, Thủ tướng dẫn chứng có bộ trưởng cả nhiệm kỳ không xuống vụ pháp chế làm việc.
Sáng 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bộ, ngành, địa phương thường lo các công việc “cháy nhà, chết người” mà không quan tâm xây dựng thể chế pháp luật. Trong khi đó, đây là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Vì thế, Thủ tướng lưu ý “không chỉ lo việc trước mắt, mà phải quan tâm cả những công việc nền tảng”.
“Chính phủ trong bất kỳ điều kiện nào cũng nhận thức rõ vai trò của ngành tư pháp. Tuy nó không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng là nền tảng rất quan trọng. Đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào tư duy xây dựng pháp luật”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo sai, Bộ trưởng Tư pháp phải chịu trách nhiệm
Điểm lại một số kết quả đáng lưu ý của năm 2020, Thủ tướng ghi nhận vai trò đóng góp của ngành tư pháp.
Trước hết, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và bão lũ triền miên, song chúng ta vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng xấp xỉ 3% – là mức tăng trưởng được nhận định cao nhất thế giới.
Ngành tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, ách tắc trong thực thi các chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách liên quan đến đại dịch Covid-19.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nhờ sự tham mưu của Bộ Tư pháp mà trong bối cảnh khó khăn như vậy, Thủ tướng có thể ra một số mệnh lệnh trong tình trạng khẩn cấp, như yêu cầu giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Theo người đứng đầu Chính phủ, ngành tư pháp là ngành có số biên chế trực tiếp lớn thứ nhì (sau ngành tài chính), đặc biệt là hệ thống thi hành án ở các địa phương, kể cả sở tư pháp, phòng tư pháp và các đơn vị khác. Tuy vậy, vấn đề quản lý con người lại ít khi được đề cập.
Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu ngành tư pháp quan tâm hơn đến vấn đề này. “Vai trò, vị thế của các đồng chí lớn chứ không phải bình thường đâu”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đặt vấn đề “lãnh đạo sai thì Bộ trưởng Tư pháp, giám đốc các sở tư pháp có chịu trách nhiệm không. Tôi nghĩ là có?”.
Theo ông, lãnh đạo và cán bộ ngành tư pháp phải nêu gương tốt hơn để thực hiện trách nhiệm của mình, ngăn chặn bớt sai phạm.
“Các lãnh đạo cấp bộ, các bí thư tỉnh có quan tâm pháp chế ở bộ, địa phương mình không, hay khoán trắng cho ông thứ trưởng hoặc vụ trưởng? Tôi biết có bộ trưởng cả nhiệm kỳ không xuống đến vụ pháp chế làm việc, và cũng rất ít vụ trưởng pháp chế hay giám đốc sở tư pháp lên được chức thứ trưởng”, Thủ tướng nêu thực tế.
Ông nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm hơn đến lĩnh vực này, vì “một số quốc gia thất bại chính là do thể chế chưa đúng”.
Không để tham nhũng chính sách
Nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ nhiệm kỳ này là phải chỉ đạo, điều hành theo hướng chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, Thủ tướng yêu cầu các ngành, đặc biệt ngành tư pháp, tham mưu tốt hơn nữa trong xây dựng pháp luật, khẳng định vai trò “nhạc trưởng”, “người gác cửa” trong rà soát, xây dựng các văn bản pháp luật.
Thủ tướng cho rằng tuy đạt nhiều kết quả, ngành tư pháp vẫn còn hạn chế như năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao, thiếu đồng bộ, tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm chi tiết vẫn còn.
Để công tác tư pháp đạt hiệu quả, Thủ tướng đề nghị quan tâm hơn đến vấn đề con người. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tuyển chọn người tài làm công tác tư pháp.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang phát triển theo hướng công nghệ hiện đại, xã hội số, Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý luật pháp phải đáp ứng các yếu tố này, không để thể chế pháp luật kìm hãm sự phát triển đất nước, những sáng kiến, sáng tạo phải “bỏ chạy” ra nước ngoài.
Thủ tướng đánh giá môi trường đầu tư có tiến bộ nhưng còn chồng chéo, kìm hãm sự phát triển của địa phương, của doanh nghiệp, và đây hiện là vấn đề lớn.
Ông quán triệt “không để tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống pháp luật”. Các cán bộ ngành tư pháp phải giúp bộ trưởng, chủ tịch UBDN các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, cấp quản lý chuyên ngành không bị sai phạm.
Cùng với đó, cần kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, bổ sung nhân lực cho trình độ cao cho ngành tư pháp.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, ngành đã tham mưu trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản; số lượng văn bản được thẩm định là trên 42.000.
Thông qua hoạt động kiểm tra của ngành tư pháp, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.
Nhằm quyết liệt chống tham nhũng, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi.