+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Chuyển từ mục tiêu không có COVID sang thích ứng an toàn

25/09/2021 17:35

Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, Thủ tướng kết luận tại cuộc họp sáng 25/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển từ mục tiêu không có COVID sang thích ứng an toàn ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp (ảnh Nhật Minh)

“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch”

Kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, sáng 25/9, Thủ tướng nhấn mạnh, qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Căn cứ hướng dẫn trên, khoảng 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả. Những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần 2 năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về xuất nhập cảnh, Thủ tướng yêu cầu Tiểu ban An ninh – Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vắc xin” có tính chất đối đẳng.

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa; các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa.

“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Thế nên phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Biến chủng Delta rất khác biệt, phải cách ly 19 ngày

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận Hà Nam đã thực hiện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia. “Chỉ còn 1 tiếng nữa là tỉnh thực hiện giãn cách xã hội tại Phủ Lý, 11 giờ đêm, tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không? Tỉnh đã điều chỉnh rất kịp thời và hai ngày qua êm ả”, Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển từ mục tiêu không có COVID sang thích ứng an toàn ảnh 2
Thủ tướng họp với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh Nhật Minh)

Một điểm được Thủ tướng lưu ý nhắc nhở: Ca bệnh đầu tiên phát hiện ở Hà Nam những ngày qua là người đã cách ly 14 ngày. Lý do là biến chủng Delta có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đó, lây nhanh, nồng độ virus đậm đặc, tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng cũ. Người mắc bệnh ít có triệu chứng nhưng chuyển bệnh nhanh. Do đó, với chủng cũ, chúng ta áp dụng cách ly 14 ngày, nhưng với chủng mới, phải cách ly ít nhất 19 ngày.

Về ứng dụng “phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia có tên PC-COVID”, trước đó báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Công an đã phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp như VNPT, Viettel, BKAV tiến hành khẩn trương xây dựng ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (PC-COVID).

Ông Dũng cho biết, ứng dụng PC-COVID dự kiến có các tính năng chính: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; cho phép quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; phản ánh của người dân; thông tin tiêm vắc xin, xét nghiệm; truy vết tiếp xúc gần; bản đồ nguy cơ.

Văn Kiên

Bài mới
Đọc nhiều