+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng chia sẻ về đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP.HCM

24/01/2022 15:13

Thủ tướng cho biết, đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đi tới quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Sáng 24-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán 2022 và tặng quà đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế TP tại Sở Y tế TP.HCM.

Tại buổi đến thăm, Thủ tướng đã biểu dương và đánh giá cao những thành quả mà TP.HCM đạt được trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn, mất mát và hy sinh của nhân dân TP.HCM do tác động của dịch bệnh.

thu-tuong
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết nhân viên y tế. Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, TP.HCM đã đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng chống dịch; thay đổi tư duy, biện pháp trong phòng chống dịch; “đi trước đón đầu” và thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định trong phòng chống dịch. Cùng với đó, TP.HCM cũng luôn giữ được bản lĩnh trong lúc khó khăn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành và các địa phương.

Đến nay, TP.HCM đã trở thành một “thành phố xanh”. Đóng góp vào những thành quả chung nói trên, có vai trò nòng cốt của ngành y tế TP.HCM.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, khi dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, với những diễn biến chưa có tiền lệ, trong lúc chưa có đủ vaccine khi vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.

Về đặc thù, TP.HCM có số dân đông nhất cả nước, cơ cấu dân số đa dạng nhất, thành phần dân cư phong phú nhất, với nhiều đặc điểm riêng về dân cư, xã hội. Do đó, trong tổng thể các biện pháp phòng chống dịch chung cả nước, phải có các biện pháp đặc thù riêng dành cho TP.HCM, đây là bài toán khó đặt ra trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Và TP.HCM đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn đó.

Đáng chú ý, ở thời điểm khó khăn nhất, TP.HCM đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. “Chúng ta đã áp dụng biện pháp di dời dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang rất hiệu quả. Có thời điểm, chúng tôi đã tính tới phương án di dời người dân một quận tại TP.HCM, nhưng dân số một quận tại TP.HCM tương đương nhiều tỉnh khác, di dời đi đâu? Rất khó khăn” – Thủ tướng chia sẻ.

thu-tuong
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, ông đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đi tới quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng áp dụng một số biện pháp như tình trạng khẩn cấp. Lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở với các biện pháp y tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được triển khai. Trung ương quyết định tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thiết lập hàng trăm trạm y tế lưu động trong thời gian ngắn; điều trị F0, cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà; ưu tiên vaccine cho TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, góp phần để Việt Nam từ một nước có tỉ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Cũng theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách “chưa từng có tiền lệ” hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn. Cả nước đã dành gần 71.500 tỉ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Đến nay, TP.HCM đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, TP.HCM và ngành y tế đã trưởng thành lên rất nhiều.

Lực lượng quân đội hỗ trợ bà con TP.HCM

Trong năm 2022, cho rằng dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, Thủ tướng đề nghị TP.HCM không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng chống dịch tốt hơn, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng chống dịch trong năm 2022 và 2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, thần tốc và thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine cho toàn bộ các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi để mở cửa lại trường học từ sau Tết gắn với an toàn dịch bệnh…

Tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro, thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế…

Thủ tướng tin tưởng, nhất định năm 2022, TP.HCM và ngành y tế TP sẽ đạt được những kết quả, thành tựu lớn hơn nữa, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, chúc Tết và tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật mồ côi Thị Nghè TP.HCM).

Tại đây, ông yêu cầu phải quan tâm đặc biệt, có cơ chế, chính sách đặc thù cho công việc, nhiệm vụ rất đặc thù này, chăm sóc các cháu tốt nhất có thể với tấm lòng của người mẹ, người cha.

Minh Thắng

Bài mới
Đọc nhiều