+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng chia sẻ mất mát với 2 tỉnh Thanh Hóa, Cà Mau do mưa lũ

05/08/2019 16:13

Thủ tướng cho biết, hai đoàn công tác do lãnh đạo Bộ NN&PTNT dẫn đầu đã đến các địa phương này để đưa ra phương án khắc phục tốt nhất.

Sáng 5/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những thiệt hại, mất mát của người dân các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra.

thu tuong chia se mat mat voi 2 tinh thanh hoa, ca mau do mua lu hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp

Thủ tướng cho rằng, tuy bão số 3 không lớn nhưng đã gây mưa lũ rất lớn ở miền Bắc, đặc biệt là cơn lũ dữ ở Thanh Hóa và tình trạng sạt lở nghiêm trọng đê biển Tây ở Cà Mau.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã yêu cầu hai tỉnh Thanh Hóa và Cà Mau cùng với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ hai tỉnh khắc phục những hậu quả của mưa lũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị công việc ưu tiên hàng đầu hiện nay tại những tỉnh này là tích cực giải quyết việc ổn định cuộc sống cho nhân dân.

“Tôi xin thay mặt Chính phủ chia sẻ sự mất mát về người và tải sản do mưa lũ gây ra tại gây ra tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Cà Mau trong hai ngày vừa qua. Công việc này đang được tiếp tục chỉ đạo khắc phục tốt nhất, kịp thời nhất với các nhiệm vụ được giao của các địa phương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng quân đội, biên phòng đang ở trực tiếp các địa điểm này và tăng cường các lực lượng có liên quan. Hiện nay Bộ Nông nghiệp đã cử hai đoàn trực tiếp do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đến các địa phương này để đưa ra phương án khắc phục tốt nhất cùng với địa phương”, Thủ tướng cho biết.

Tại phiên họp, liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xây dựng thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN. Chính phủ đã dành thời gian nhiều cho công việc này trong tất cả các phiên họp thường kỳ nhưng vẫn chưa đủ. Theo Thủ tướng, cuộc sống thay đổi rất nhanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Do đó, nên tránh tình trạng luật khung, luật ống, đồng thời có không gian cần thiết để thay đổi kịp thời trước tình hình thế giới, không phải quá cứng nhắc.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy trí tuệ tập thể, đóng góp ý kiến vào các nội dung tờ trình, dự thảo do các bộ, cơ quan trình.

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cho biết, hiện nay còn xảy ra tình trạng thiều đồng bộ giữa các luật; còn xảy ra tình chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung với luật chuyên ngành, giữa các văn bản hướng dẫn của luật này với văn bản hướng dẫn của luật khác.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, riêng đối với doanh nghiệp khi làm thủ tục thì doanh nghiệp phải làm nhiều thủ tục hành chính trùng lặp với nhau, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau, đi lại mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết thực hiện theo quy định nào. Về phía cơ quan nhà nước, chính những sự chồng chéo, xung đột này khiến các cơ quan thực thi trở nên lúng túng, bị động khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp.

“Từ tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật này nên có tình trạng nhiều địa phương, bộ, ngành hiện nay đã chậm chễ và không dám giải quyết công việc, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư trì trệ, chậm tiến độ; việc chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư trong thời gian qua kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là biểu hiện rất rõ của việc chồng chéo, xung đột của các luật. Về nguyên tắc thì luật ban hành sau ưu tiên so với luật ban hành trước nhưng trên thực tế, bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ, ngành mình; việc xử lý của các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán nên hiện tượng né tránh, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn cho phía người dân và doanh nghiệp vẫn diễn ra gây rất khó khăn”, ông Lộc thông tin.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Dự án Luật thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp; Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); về đề nghị xây dựng dự  án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Báo cáo về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

(Theo VOV)

Bài mới
Đọc nhiều