+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT đánh giá lại ‘Chương trình thực nghiệm’

Tùng Lâm - 21/11/2019 22:39

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới chương trình thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo nghiên cứu kỹ ý kiến của giáo sư, tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào (cán bộ trung tâm công nghệ giáo dục) và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo thực hiện rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại “chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại – “cha đẻ” của “Chương trình Thực nghiệm” có bề dày 40 năm phát triển trên cả nước.

Văn phòng Chính phủ cũng có phiếu chuyển Bộ Giáo dục – đào tạo kiến nghị của nhà giáo Phan Sắc Long, nguyên trưởng phòng Giáo dục – đào tạo huyện Bố Trạch – Quảng Bình đề cập đến vấn đề thẩm định sách giáo khoa và việc loại bộ sách Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên để xem xét, xử lý.

Trước đó, ngay sau khi ba cuốn sách của Công nghệ giáo dục là Tiếng Việt, Toán và Đạo đức do giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên bị hội đồng thẩm định quốc gia loại ngay từ vòng 1, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào đã có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, có thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo.

Trong bản kiến nghị nêu rõ thành quả thực hiện chương trình công nghệ giáo dục hơn 40 năm qua. Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã chứng minh được sự ưu việt trong thực tiễn dạy học ở nhiều vùng miền khác nhau, trong đó có những vùng khó khăn cần tăng cường dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong lịch sử, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục từng là cứu cánh cho ngành Giáo dục – đào tạo khi tình trạng lưu ban, bỏ học gia tăng vì chất lượng dạy học tiếng Việt bị sa sút.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giáo dục đối thoại về chương trình thực nghiệm - Ảnh 1.
Bìa một bản mẫu sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục được đăng kí thẩm định vừa qua

Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào cũng chỉ ra việc cần hiểu và thực hiện luật một cách linh hoạt trong việc xây dựng chương trình, thẩm định sách giáo khoa chứ không nên áp dụng cứng nhắc, triệt tiêu thành quả đổi mới sáng tạo như hiện nay.

Cùng với kiến nghị của phó giáo sư Nguyễn Kế Hào, một số chuyên gia, các nhà giáo từng trực tiếp quản lý, tổ chức dạy chương trình thực nghiệm Công nghệ giáo dục cũng lên tiếngm trong đó có nhà giáo Phan Sắc Long.

Cùng với kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Long có kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, gửi ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội.

Không chỉ kiến nghị việc xem lại kết quả thẩm định đối với sách Công nghệ giáo dục, nhà giáo Phan Sắc Long dẫn giải các bằng chứng về thành quả đã được khẳng định của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục. Trong đó lưu ý về đến việc trong cuộc thay sách năm 2000, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục từng bị ngừng.

Nhưng sau đó, vì tính cấp thiết phải giải quyết với nạn tái mù chữ có nguy cơ xảy ra trên diện rộng do học sinh một số vùng khó khăn không học được chương trình hiện hành nên Bộ Giáo dục – đào tạo khi đó phải “lách luật” để đưa Tiếng Việt Công nghệ giáo dục trở lại qua một dự án tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó.

Sách Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình thực nghiệm của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại.

Hiện tại 48 tỉnh thực hiện Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, với trên 900.000 học sinh, nếu phải ngưng do quyết định của hội đồng thẩm định quốc gia thì sẽ xảy ra xáo trộn lớn và hậu quả gánh chịu là học sinh. Ông Phan Sắc Long cũng bày tỏ những nghi ngại về quy trình thẩm định sách giáo khoa.

Cũng thời điểm này, nhà giáo Nguyễn Trung Chính, Hội tâm lý giáo dục Hải Phòng, người từng chỉ đạo triển khai thực nghiệm Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cũng có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo bày tỏ bức xúc vì quyết định của hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia – một cách gián tiếp làm ngừng triển khai Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục – đào tạo sẽ tổ chức họp báo để thông báo chính thức kết quả thẩm định sách giáo khoc vào chiều 22-11. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục – đào tạo có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia đánh giá đạt. 5 bộ sách này tiếp tục được rà soát kỹ lần nữa trước khi công bố chính thức.

Bài mới
Đọc nhiều