Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng phải điều tiết quản lý Nhà nước, tránh việc vốn chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng.
Chú trọng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội là nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng vào ngày 18/5.
Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với Bộ Xây dựng từ khi được Quốc hội bầu. Bộ Xây dựng cũng có lãnh đạo mới là tân Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương.
‘Phải có cơ chế để tránh việc mua nhà mà không sử dụng’
Thủ tướng lưu ý cần gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó rất coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải điều tiết bằng quản lý Nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự. Thủ tướng nhấn mạnh chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội.
“Cần phải điều tiết để tránh mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở”, ông nói.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn, chỉ như vậy mới huy động được các nguồn lực cho phát triển nhà ở và bảo đảm công bằng xã hội.
Theo Thủ tướng, thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.
Ông cũng cho rằng cơ quan quản lý chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.
Không giao tư nhân làm quy hoạch
Thủ tướng cũng cho rằng công tác quy hoạch kiến trúc phải được coi trọng, nâng tầm hơn và thay đổi nhận thức cho cả hệ thống. Bộ phải dành nhiều thời gian phân tích về vấn đề hết sức quan trọng này, Thủ tướng nhắc lại tinh thần quy hoạch phải có tầm nhìn, bài bản, lớp lang; khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế về tiến độ và chất lượng quy hoạch.
Ông chỉ ra thực trạng công tác quy hoạch ở một số nơi “chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo”, cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch.
Thủ tướng khẳng định quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, vừa khắc phục những nhược điểm.
Thời gian vừa qua, phát triển đô thị chưa bài bản, chưa dựa trên nền tảng vững chắc về xã hội, tự nhiên, nhu cầu thực tiễn và chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị.
“Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục cho được tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch. Ông nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể về phá vỡ quy hoạch khiến hạ tầng quá tải tại một số đô thị.
“Tại sao tư nhân đầu tư vào nghĩa trang mà không làm công viên?”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Bộ Xây dựng phải thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư. Thủ tướng nhắc tới hàng loạt ví dụ thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của các cơ chế này.
“Tại sao tư nhân đầu tư rất nhiều vào các nghĩa trang mà không có ai đầu tư vào công viên? Tại sao có những công viên lớn với hàng trăm người làm việc mà vẫn ngày càng xuống cấp?”, ông đặt câu hỏi.
Thủ tướng cho rằng thực tế này đặt ra những câu hỏi cần giải đáp về mặt cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng công viên, các công trình công cộng phục vụ người dân, nhà ở và cả trụ sở cơ quan Nhà nước…
Thủ tướng phân tích trên cơ sở nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro, việc triển khai cơ chế hợp tác công tác phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ông cho rằng không nên đặt ra mức tối thiểu để huy động nguồn lực xã hội, mà ngược lại, “thu hút được chỉ 1 đồng vốn tư nhân cũng quý”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết của Trung ương.
Theo Thủ tướng, Bộ phải đẩy mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tùng Lâm