Thủ tướng Campuchia: Kênh đào Phù Nam Techo sẽ được khởi công vào ngày 5-8
Ngày 6-6, Thủ tướng Campuchia Hun Manet chính thức xác nhận rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ được khởi công vào ngày 5-8-2024. Thông tin này được công bố tại buổi khánh thành cảng Kampot, diễn ra tại thành phố Bokor, tỉnh Kampot. Trong bài phát biểu, ông Hun Manet kêu gọi toàn dân Campuchia ủng hộ dự án, nhấn mạnh rằng đây là công trình vì lợi ích của toàn thể nhân dân, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Theo đó, dự án kênh đào Phù Nam Techo được dự kiến sẽ do liên doanh giữa cảng tự trị Sihanoukville, cảng tự trị Phnom Penh, một công ty tư nhân nắm 51% vốn và một số nhà đầu tư nước ngoài theo hợp đồng BOT thực hiện. Theo Thủ tướng Hun Manet, dự án đã được nhóm gần 50 chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng. Các phân tích và đánh giá kinh tế cho thấy kênh đào này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, quy hoạch và xây dựng đô thị của Campuchia.
Phát biểu hồi tháng 3, ông Hun Manet khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người sống dọc theo kênh và tạo ra nhiều lợi ích khác cho sự phát triển quốc gia. Ông nhấn mạnh rằng, kênh đào này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Campuchia trên thị trường quốc tế, đồng thời đóng vai trò là hệ thống thủy lợi quan trọng ở phía tây nam đất nước.
Trước khi dự án được triển khai, ngày 23-5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái của Việt Nam đã có cuộc gặp song phương với Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản. Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng, phát triển đất nước, bao gồm cả dự án kênh đào Phù Nam Techo. Ông cũng đề nghị Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của dự án đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của lưu vực sông Mekong.
Theo Phó thủ tướng Sun Chanthol của Campuchia cho biết lưu lượng nước qua kênh đào Phù Nam Techo dự kiến là 5m³/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong. Ông nhấn mạnh kênh đào sẽ được sử dụng để tưới tiêu trên đất liền và đánh bắt cá, đồng thời cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính nhờ tuyến đường ngắn hơn dành cho sà lan và tàu chở hàng từ và đến Phnom Penh.
Và kế hoạch, kênh đào Phù Nam Techo sẽ có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn và sâu 5,4m. Chiều dài kênh đào khoảng 180km, chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km, kéo dài từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia. Kênh đào này sẽ chạy qua bốn tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, với tổng dân số khoảng 1,6 triệu người sống hai bên đường thủy. Dự án hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại buổi khánh thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Campuchia ở Vườn Quốc gia Preah Suramarit-Kossamak Kirirom, huyện Phnom Sruoch, tỉnh Kampong Speu vào ngày 30-5, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ từ phía người dân. Ông khẳng định rằng phần lớn vốn đầu tư cho dự án đến từ người dân Khmer và dự án sẽ mang lại lợi ích cho người dân Khmer.
Theo đó, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen trước đó cũng nhấn mạnh rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho hàng hóa của Campuchia bằng cách giảm chi phí vận chuyển, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thủy lợi của phía tây nam Campuchia.
Đáng chú ý, dự án kênh đào Phù Nam Techo là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của Campuchia. Với sự tham gia của nhiều bên liên quan và sự ủng hộ từ phía người dân, dự án hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, từ việc thúc đẩy thương mại, du lịch đến cải thiện hạ tầng và đời sống người dân. Tuy nhiên, sự hợp tác chặt chẽ giữa Campuchia và các quốc gia liên quan, cũng như việc đảm bảo tính bền vững về môi trường và tài nguyên nước, sẽ là yếu tố then chốt để dự án đạt được thành công bền vững.
Bích Ngân