Thủ tướng: Các địa phương phối hợp đưa người dân về quê, tránh gây bức xúc cho người dân
Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân. – Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Sáng 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Phiên họp tập trung thảo luận về hai nội dung chính. Một là tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Hai là thảo luận kỹ hơn về biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19 và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về điều kiện bình thường mới.
Góp ý cho dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19
Các thành viên Chính phủ dành phần đầu phiên họp để thảo luận, lắng nghe ý kiến các địa phương góp ý vào dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành phố đã đạt kết quả nhất định bước đầu.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời, gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lấy ý kiến tới tận cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau.
“Đây là vấn đề khó. Như tôi đã nói nhiều lần, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau, để chúng ta có đầy đủ thông tin, đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng hướng dẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua gần 2 năm phòng chống dịch, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh song, dịch bệnh vẫn khó lường. Một văn bản không thể điều chỉnh hết toàn bộ mọi góc cạnh của cuộc sống từ Trung ương tới cấp xã, phường.
Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc xây dựng dự thảo cần thận trọng với mục tiêu làm sao phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay. Thủ tướng cho rằng đây là hướng dẫn tạm thời, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
“Không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng”, Thủ tướng yêu cầu.
Ông đề nghị các đại biểu góp ý để nhanh chóng ban hành hướng dẫn trên phạm vi cả nước, thực hiện nghiêm túc, nhất quán từ Trung ương tới địa phương, đồng thời vẫn phù hợp với các địa bàn đặc thù như TP.HCM, Hà Nội…
Địa phương phối hợp đón, đưa người dân về quê
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp đã nhắc đến việc sau khi TP.HCM và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ TP.HCM, Bình Dương di chuyển tự phát về quê. Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP.HCM và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội. Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì lý do khác nhau, các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân.
Thủ tướng quán triệt thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới.
“Việc thực hiện mở cửa phải có kế hoạch, chủ động, có lộ trình phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu.
Nhấn mạnh nỗ lực để nhập vaccine, Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay bao phủ được hơn 90% người dân trên 18 tuổi tại tất địa phương và có kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi.
Về tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, GDP Quý III giảm 6,17%, kéo GDP 9 tháng năm 2021 đạt mức tăng 1,42% so với cùng kỳ. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Chỉ số CPI giảm 0,62% so với tháng 8/2021; 9 tháng tăng 1,82% so cùng kỳ.
Sản xuất khu vực nông nghiệp vẫn là điểm sáng, tăng trưởng dương, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 5% so với tháng trước; tính chung 9 tháng tăng 4,45%. Trên 70% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV. Vốn FDI đăng ký 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó số các dự án quy mô lớn tăng mạnh.
An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh. Đã có trên 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15.000 tỷ đồng; đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí khoảng 38.000 tỷ đồng. Xuất cấp 151.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vaccine./.
Tùng Lâm