+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng Anh khuyên Việt Nam bỏ điện than, có gì mà ồn ào?

An Diễm - 01/11/2021 15:25

Vừa qua, trong cuộc điện đàm ngày 26/10 giữa Thủ tướng Boris Johnson và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Anh khuyến nghị chính phủ Việt Nam cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như loại bỏ điện than và hạn chế phá rừng. Vốn dĩ đây là một việc hết sức bình thường mang nặng tính ngoại giao trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu (COP26), nhưng BBC và một số đối tượng phản động lại giật tít đưa tin cho là “Việt Nam nghiện than”, phá hoại môi trường.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu (COP26) năm nay được tổ chức từ ngày 31/10- 3/11 tại Glasgow, Anh. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Việc này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực, và một đối tác tin cậy và có trách nhiệm.

Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có một cuộc điện đàm, trong đó Thủ tướng Anh khuyến nghị chính phủ Việt Nam cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 0 vào năm 2050 và tiếp tục thực hiện các bước để loại bỏ dần điện than và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Nội dung này cũng tương tự như trong cuộc điện đàm tối ngày 28/10 giữa Thủ tướng Úc Scott Morrison với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Khi đó, Tổng thống Pháp Macron cũng kêu gọi Thủ tướng Morrison cam kết ngừng khai thác than và sử dụng than để sản xuất điện. Tổng thống Macron nhấn mạnh, Pháp khuyến khích Úc áp dụng các biện pháp đầy tham vọng tương xứng với những thách thức khí hậu. Có thể nói đây là một nội dung hết sức bình thường do bản thân Liên minh châu Âu đang đặt ra tham vọng chuyển đổi xanh với mục tiêu cắt giảm mạnh mức khí phát thải nhà kính. Tuy nhiên, ngay chính tại châu Âu thì mục tiêu này cũng đang bị đe dọa.

Bản thân Châu Âu vừa trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay do thiếu hụt khí đốt. Khi dịch Covid-19 tạm lắng, các hoạt động giao thương xã hội được nối lại kéo theo nhu cầu năng lượng bùng nổ. Trong khi đó, do Châu Âu đang giảm dần đầu tư vào năng lượng hóa thạch để phục vụ mục tiêu Chuyển đổi xanh, và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) thì lại bất ổn, nên họ bị phụ thuộc nặng nề vào khí đốt. Khi trữ lượng khí đốt giảm xuống do nhu cầu sử dụng quá cao thì khủng hoảng khí đốt nổ ra, giá cả tăng vọt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. An ninh quốc gia cũng bị đe dọa khi giờ đây họ phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, quốc gia mà họ coi là đối địch. Một vài nhà lãnh đạo châu Âu đã quy trách nhiệm đợt khủng hoảng này cho EU. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tháng rồi khẳng định giá năng lượng tại quốc gia của ông tăng do các chính sách khí hậu của khối, theo báo Politico. Không lâu sau tuyên bố này, Ba Lan thông báo sẽ duy trì hoạt động của một mỏ than, bất chấp động thái này đi ngược lại phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).

Tại Mỹ, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan ở châu Âu lúc này là điềm báo cho những gì có thể xảy ra tại Mỹ nếu hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch bị hạn chế đột ngột. Theo một vài lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu mỏ, khủng hoảng năng lượng châu Âu đã cho thấy rủi ro tiềm ẩn từ yêu cầu chuyển dịch năng lượng tái tạo quá nhanh, trước khi thực hiện những bước đi thiết yếu nhằm cải tạo điện lưới, tăng cường dự trữ năng lượng và củng cố hệ thống năng lượng mặt trời, gió. Đối mặt với sự phản đối từ các thành viên ôn hòa của Đảng Dân chủ, Nhà Trắng hiện thương lượng về việc cắt giảm quy mô của một dự luật chi tiêu xã hội gồm nhiều điều khoản khí hậu đáng chú ý, trong đó hàng trăm tỉ USD ưu đãi thuế năng lượng tái tạo.

Trang mạng BBC News Tiếng Việt bù lu bù loa về việc sử dụng điện than tại Việt Nam.

Có thể thấy, ngay cả đối với những quốc gia phát triển nhất thì việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một kế hoạch đầy tốn kém và rủi ro, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, an ninh quốc phòng. Điều này đòi hỏi những bước đi hết sức cẩn trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói Việt Nam sẽ nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong bối cảnh trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đang giảm dần.”Là một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn, Việt Nam đang xây dựng một lộ trình hài hòa và cân đối để chuyển đổi năng lượng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon”. Đây là một chính sách hết sức đúng đắn và cần thiết, bảo đảm phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, không nên vì một câu nói xã giao của Nguyên thủ nước ngoài mà chúng ta phải xao động. Còn đối với những kẻ cực đoan như BBC News Tiếng Việt, việc chúng quen công kích những chính sách của Việt Nam thì có gì lạ đâu?

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều