+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: 5 năm tới, Việt Nam không thiếu điện

07/01/2021 19:17

Với đà tăng và khả năng phát triển nguồn điện như hiện nay, Việt Nam có khả năng không bị thiếu điện trong 5 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương sáng 7/1 tại Hà Nội.

“Tôi được nghe báo cáo là 5 năm nữa, với đà tăng trưởng này và khả năng phát triển nguồn, chúng ta không thiếu điện”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: 5 năm tới, Việt Nam không thiếu điện - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Với đà tăng trưởng hiện nay và khả năng phát triển nguồn, chúng ta không thiếu điện. (Ảnh: Moit)

Về hoạt động xuất khẩu, Thủ tướng đánh giá xuất khẩu là một trong những thành tích nổi bật khi giữ được nhịp độ tăng trưởng với mức xuất siêu 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành xuất khẩu cải thiện theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng chế biến và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy, đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt lên mức trên 500 tỷ USD.

Về vấn đề thương mại với Mỹ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Mỹ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững.

“Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại”, Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như ngành công nghiệp thiếu tính bền vững, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Tính đa dạng hóa thị trường chưa cao, lợi thế cạnh tranh vẫn chủ yếu là giá cả chứ chưa phải giá trị…

Ngoài ra chúng ta chưa khai thác tốt thị trường 100 triệu dân, tình trạng hàng gian, hàng giả còn phức tạp, chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng nông thôn lên thành thị. Năng lực quản lý nhiều cơ quan quản lý còn bất cập, nhiều chủ trương chính sách triển khai chậm, chưa đồng bộ…

Từ đó, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.

Nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Đồng thời, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

(Theo VTC)

Bài mới
Đọc nhiều