Thứ trưởng Y tế: Bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ dịch sẽ không chú trọng số ca nhiễm
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19 sẽ chủ yếu dựa trên số ca nhập viện và số ca tử vong.
Chiều 13/1, trả lời báo chí, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói bộ tiêu chí mới vẫn dựa trên nền tảng của bộ tiêu chí cũ ban hành từ đầu tháng 10/2021. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh đã có sự thay đổi so với trước. Cụ thể, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một cho người từ 18 tuổi trên cả nước đã đạt 100%; mũi hai đạt 93%; tiêm liều nhắc lại 11,5%.
Ngoài ra, Việt Nam đã tiêm 14 triệu liều vaccine cho trẻ dưới từ 12-17 tuổi, trong đó mũi một 8 triệu liều; mũi hai 6 triệu liều.
Tình hình bệnh nhân nặng và tử vong trên cả nước nhìn chung đã giảm. Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý vẫn cần cảnh giác, bởi thời gian gần đây số ca nhiễm tại Hà Nội và một số nơi khác xu hướng tăng.
Dựa trên tình hình hiện nay, bộ tiêu chí mới sẽ chú trọng vấn đề ca bệnh phải nhập viện và số ca tử vong. “Tiêu chí mới sẽ không còn đánh giá quá quan trọng về tỷ lệ ca nhiễm cộng đồng. Bởi hiện nay, việc điều trị ca nhiễm triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương”, Thứ trưởng Sơn nói, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ dịch.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, bày tỏ đồng tình về việc cần thiết phải sửa tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh.
Theo ông Hùng, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, số ca nhiễm cộng đồng mỗi ngày “không còn nhiều ý nghĩa quan trọng”, nếu vẫn cứng nhắc dựa vào số ca nhiễm để xếp loại nguy cơ dịch sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi kinh tế.
Đơn cử, thời gian gần đây số ca nhiễm tại Hà Nội tăng, khiến nhiều quận phải liên tục “đóng – mở” các dịch vụ không thiết yếu, gây khó khăn cho người dân. Trong khi đó, thực tế cho thấy tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong ở Hà Nội thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Theo ghi nhận của ngành Y tế, trong 7 ngày tính từ 3/1 đến 9/1, tỷ lệ ca tỷ vong trên địa bàn thủ đô chiếm hơn 0,4%, còn toàn quốc trên 1,3%.
Về tiêu chí tỷ lệ tiêm vaccine, ông Hùng góp ý nên chú trọng vào nhóm dân số từ 50 tuổi, có bệnh nền. “Những người này cần được tiêm mũi bổ sung hoặc tăng cường, để ngăn chặn nguy cơ chuyển nặng và tử vong nếu nhiễm bệnh”, ông nói, cho rằng bộ tiêu chí mới chỉ nên giữ lại ba nội dung quan trọng là tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong; năng lực y tế của các địa phương; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi.
Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn cũng đề nghị bỏ tiêu chí số ca nhiễm cộng đồng mỗi tuần. “Tương lai Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ biến thể Omicron lây lan. Với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần biến thể Delta, nếu vẫn giữ tiêu chí này, rất nhiều địa phương sẽ chuyển thành vùng cam, vùng đỏ, gây cản trở sản xuất, kinh doanh”, ông Tuấn nói. Việc thống kê số ca nhiễm mỗi ngày hiện nay chỉ nên nhằm mục đích dự báo diễn biến dịch, thay vì làm căn cứ phân loại cấp độ. Tiêu chí về tỷ lệ tiêm vaccine cũng cần bỏ, bởi cả nước đã phủ gần xong mũi hai cho dân số trưởng thành.
Ông Tuấn cho rằng bộ tiêu chí mới chỉ cần hai yếu tố quan trọng là tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong; năng lực y tế các địa phương.
Từ đầu tháng 10/2021, sau khi Chính phủ ban hành quy định về thích ứng an toàn Covid-19 và Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn, các địa phương đã đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh dựa trên ba tiêu chí: số ca nhiễm cộng đồng mỗi tuần; độ bao phủ vaccine; năng lực y tế.
Ngày 9/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ nguy cơ Covid-19, đảm bảo phù hợp với tình hình mới.
Minh Ngọc