+
Aa
-
like
comment

Thứ trưởng TN-MT: Anh đừng nói cái này là Bộ trưởng hứa, luật là của Quốc hội

11/12/2020 14:15

Trả lời về việc luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bỏ quy định các cơ quan nhà nước phải công khai báo cáo ĐTM các dự án, Thứ trưởng TN-MT Võ Tuấn Nhân nói rằng, Bộ trưởng rất quyết liệt nhưng luật là của Quốc hội. 

Sáng 11.12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 10 vừa qua, trong đó có luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Tại họp báo, phóng viên đã nêu các câu hỏi đối với Bộ TN-MT liên quan tới việc luật mới sửa đổi bỏ quy định các cơ quan quan quản lý Nhà nước công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và chỉ quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân trả lời tại họp báo /// Ảnh Gia Hân
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân trả lời tại họp báo.

Tại sao luật Bảo vệ môi trường vừa được thông qua lại bỏ quy định các cơ quan quản lý nhà nước phải công khai các báo cáo ĐTM khi rất nhiều chuyên gia cho rằng đây là “bước lùi” so với luật Bảo vệ môi trường 2014?

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân: Các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ TN-MT, UBND các tỉnh hay Bộ Công an là các cơ quan thẩm định các báo cáo ĐTM, còn báo cáo là quyền sở hữu của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan Nhà nước chỉ có thể công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM chứ không thể công khai báo cáo.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định các cơ quan thẩm định sẽ công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM ngay sau khi có quyết định. Bên cạnh đó, luật cũng quy định xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường để công khai các thông tin này.

Báo cáo ĐTM là tác quyền của doanh nghiệp. Do đó, công khai hay không là quyền của doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan Nhà nước lấy cái đó công khai được.

Đối với doanh nghiệp, luật yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp công khai báo cáo ĐTM, trừ thông tin liên quan bí quyết công nghệ, bí mật doanh nghiệp theo các quy định khác nhau của pháp luật về luật Tiếp cận thông tin, luật Doanh nghiệp…

Đây là dịp báo cáo để các đồng chí ủng hộ. Còn Bộ rất muốn công khai để cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giám sát.

Vậy sẽ có chế tài nào đối với việc doanh nghiệp không chịu công khai các báo cáo ĐTM theo quy định hoặc lợi dụng “bí mật doanh nghiệp, bí mật kinh doanh” để không công khai?

Bản chất của việc công khai báo cáo ĐTM không phải tất cả báo cáo mà chủ yếu là tác động tới môi trường thế nào và giải pháp giảm thiểu thế nào. Cái này trong luật cũ mình yêu cầu trích cái đó ra treo ở cái nơi thực thi dự án.

Lần này, luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định là phải công khai cả cái báo cáo ĐTM, chỉ trừ bí quyết công nghệ ra thôi. Do đó, chắc chắn chế tài sẽ được quy định tại nghị định và thông tư trong việc nếu doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án không công khai báo cáo ĐTM.

Tại cuộc làm việc với các chuyên gia 1 tuần trước khi luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã hứa là sẽ tiếp thu góp ý, đưa quy định các cơ quan quản lý Nhà nước phải công khai báo cáo ĐTM để nhân dân giám sát nhưng tới dự thảo luật trình thông qua thì không có quy định này. Vậy, Bộ trưởng TN-MT đã không thực hiện lời hứa của mình hay các cơ quan Quốc hội đã không tiếp thu góp ý này?

Phóng viên phải hiểu làm luật là bất kỳ ai cũng chỉ là một ý kiến. Và đặc biệt quyết định cái này là đại biểu Quốc hội, 500 đại biểu quyết định. Bộ trưởng hứa là quyết liệt trong việc công khai thông tin thì Bộ trưởng đã thực hiện được. Bộ trưởng hứa, Bộ trưởng làm. Đó là chức năng nhiệm vụ của Bộ trưởng. Còn luật là của Quốc hội. Xin thưa, Chủ tịch Quốc hội bấm nút cũng chỉ là một ý kiến.

Do đó, anh đừng có nói cái này là Bộ trưởng hứa. Bộ trưởng hứa là Bộ trưởng có đưa nội dung đó (quy định các cơ quan nhà nước phải công khai báo cáo ĐTM – PV) và đã đưa trong các dự thảo. Anh theo dõi anh cũng biết là các dự thảo số 5, số 6 đã đưa quy định này vào. Nhưng cuối cùng việc Quốc hội quyết là thẩm quyền của Quốc hội. Luật là của Quốc hội, chỉ có Quốc hội có thẩm quyền thông qua. Anh thông cảm cho điều đó.

Lê Hiệp/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều