Thứ trưởng GD&ĐT: Sắp xếp thời khóa biểu bảo đảm logic trong chương trình dạy học
Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ có cuộc trao đổi trực tuyến, các cơ sở giáo dục đã chia sẻ những cách làm sáng tạo trong thực hiện dạy môn học mới.
Sáng tạo hơn trong chương trình dạy học
Vào ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một số Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội về việc dạy học năm học 2021-2022. Theo đó, học sinh lớp 6 sẽ được học bộ sách giáo khoa mới, có những môn học mới như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp trung học áp dụng cho năm học này.
Tại cuộc trao đổi trực tuyến, các cơ sở giáo dục đã chia sẻ những cách làm sáng tạo trong thực hiện dạy môn học mới này, đặc biệt là việc bố trí giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý, hiệu quả.
Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (quận Long Biên) Vũ Thị Hải Yến cho biết, để triển khai môn Khoa học tự nhiên, các cán bộ, giáo viên trong tổ bộ môn đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng. Với 6 giáo viên đảm trách dạy các môn học Lý, Hoá, Sinh cho tất cả khối lớp, ban đầu trường cũng trăn trở trong việc sắp xếp kế hoạch dạy học sao cho không tạo áp lực tăng tiết làm ảnh hưởng tới sức khoẻ giáo viên.
Khoảng thời gian đầu, trường phân chia dạy các mạch nội dung Lý-Hoá-Sinh với thời lượng 2 tiết Lý – 1 tiết Hoá – 1 tiết Sinh. Bên cạnh đó, bất cập đã xảy ra khi các chủ đề môn học trong chương trình, sách giáo khoa được sắp xếp theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm.
Chạy các chương trình phải đúng tiến độ đề ra
Cụ thể việc triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, bố trí được thời khóa biểu hợp lý, chạy chương trình đúng tiến độ và cả 4 khối 6, 7, 8, 9 đều không bị đẩy tiết.
Chia sẻ về cách triển khai, cô hiệu trưởng Vũ Thị Hải Yến đã cho biết: Phần giới thiệu về bộ môn Khoa học tự nhiên được dạy từ tuần 1 đến tuần 4 với 4 tiết/tuần (2 tiết do giáo viên Vật lý thực hiện, 2 tiết do giáo viên Sinh học thực hiện). Từ tuần 5 đến tuần 10 dạy chương “Chất và sự biến đổi của Chất”, bố trí giáo viên chuyên môn Hóa học đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần.
Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương “Vật sống”, bố trí giáo viên chuyên môn Sinh học đảm nhiệm, thời lượng 4 tiết/ tuần. Tương tự như vậy với các tuần từ 19 đến 25. Với cách sắp xếp tương tự, tuần 26 đến 29 bố trí giáo viên chuyên môn Vật lý dạy 4 tiết/ tuần; tuần 30-31, giáo viên chuyên môn Sinh học dạy 4 tiết/tuần; tuần 32-35, giáo viên chuyên môn Vật lý dạy 4 tiết/tuần.
Không chỉ Trường THCS Ngô Gia Tự, hiện 100% trường THCS trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đã có cách bố trí thời khóa biểu phù hợp, bảo đảm logic của chương trình môn Khoa học tự nhiên.
Theo như chia sẻ của Trưởng phòng GD&ĐT Vũ Thị Thu Hà, đây là kết quả của việc nghiên cứu kỹ, triển khai sớm các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bản thân trưởng phòng GD&ĐT cũng đã đọc và nghiên cứu kĩ cả 3 bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên nhận thấy đây là môn học tích hợp, nếu dạy song song sẽ rời rạc, không có mạch kiến thức, vì thế học sinh rất khó hiểu, khó hình dung, khó nhớ.
Đáp ứng đúng tiến độ chương trình, bảo đảm cho giáo viên giảng dạy phù hợp
Để dạy được tốt môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, theo Thứ trưởng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về môn học, từ đó có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ, Sở/Phòng GD&ĐT, đến các hiệu trưởng và lan tỏa đến các giáo viên.
Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các môn học mới và sẽ tiếp tục có sự trao đổi, chỉ đạo để các Sở/Phòng hiểu đúng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện cách hiệu quả. Một trong những việc cần hiểu và làm đúng đó là thực hiện phân cấp xây dựng và quyết định kế hoạch giáo dục cho nhà trường, trong đó có việc sắp xếp thời khóa biểu. Ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc này do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục quyết định, chỉ báo cáo Phòng GD&ĐT để lãnh đạo cấp trên nắm bắt được và quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.
Triển khai thực hiện được trước hết cần nhận thức đầy đủ kiến thức về môn học này, từ đó có kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức giảng dạy của nhà trường.
Trân Phan