Thứ trưởng Bộ Y tế: “Những người tiêm vắc xin Covid-19 đều vui vẻ, thoải mái”
Sáng 8/3, 100 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã được tiêm vắc xin Covid-19 thành công.
Đến giám sát việc tiêm chủng tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao việc chuẩn bị việc tiêm chủng của Bệnh viện.
“Chúng tôi đánh giá cao BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã làm đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế để có đợt tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên. Các trường hợp được tiêm đều an toàn và người tiêm vui vẻ, thoải mái, cảm thấy vinh dự khi mình là người được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên”.
Đánh giá về vắc xin sản xuất trong nước, Thứ trưởng Thuấn cho biết, Việt Nam đang có vắc xin Nano Covax thử nghiệm giai đoạn 2 và vắc xin Covivax chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngoài ra còn có có vắc xin thứ 3 của VABIOTECH chuẩn bị thử nghiệm. Việc nghiên cứu phát triển thành công thì dự kiến đến năm 2021, đầu năm 2022 chúng ta sẽ có vắc xin Covid-19 của Việt Nam.
Còn về vắc xin Astra Zeneca được tiêm hôm nay, Thứ trưởng cho biết, vắc xin này đã được Bộ Y tế và các đơn vị chức năng làm đúng quy trinh về cấp phép, bảo quản, sử dụng. “Qua thông tin, chúng ta được biết đây là vắc xin có hiệu quả 76% sau mũi đầu và khoảng 81% sau mũi thứ 2. Không có vắc xin nào hiệu quả 100%. Bên cạnh tiêm phòng vắc xin chúng ta vẫn cần nghiêm túc thực hiện 5K của Bộ Y tế”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Cùng đến giám sát tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, trong đợt đầu tiên tiêm vắc xin Covid sẽ tiêm cho cán bộ y tế tại 21 cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Ngoài ra còn có cán bộ y tế và người dân ở tỉnh Hải Dương , nơi đang có mầm bệnh Covid-19. Ngày hôm qua vẫn có các ca bệnh trong khu cách ly, phong tỏa. Do đó, vắc xin Covid-19 đợt 1 sẽ ưu tiên cho các điểm này. Khi có thêm vắc xin sẽ tiêm cho các đối tượng khác, theo danh sách ưu tiên mà Chính phủ đã ban hành.
Về lưu ý khi tiêm chủng vắc xin Covid-19, ông Khuê chia sẻ: “Chúng ta phải đảm bảo theo dõi sau tiêm, tư vấn sau tiêm, đảm bảo 5K giãn cách khi tiêm. Phòng cấp cứu sẵn sàng ứng trực các trường hợp sốc phản vệ, biến chứng sau tiêm chủng nếu có. Mục tiêm là đảm bảo an toàn nhất cho người được tiêm. Chúng ta đã có quy trình cụ thể, thày thuốc thường trực tại các điểm tiêm. Trước mắt, những người tiêm xong cũng rất thoải mái, không ai cho biết có các phản ứng khác lạ với vắc xin”.
Về việc tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên cho cán bộ y tế, ông Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Lực lượng cán bộ y tế là những người đứng ở tuyến đầu, trực tiếp đối mặt với virus SARS-CoV-2 khi điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 là những người có nguy cơ cao lây nhiễm chéo Covid-19. Theo nghiên cứu của thế giới, cán bộ y tế nhiễm Covid-19 chiếm 10% tổng số những người mắc Covid-19 hiện nay.
Ở nước ta may mắn không có cán bộ y tế tử vong vì Covid-19 nhưng ở các nước, có rất nhiều nhân viên y tế đã tử vong sau khi lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân. Trước đây, trong khi chống dịch SARS năm 2003, Việt Nam cũng đã có cán bộ y tế hy sinh khi lây nhiễm SARS từ bệnh nhân.
Lần này, dù Việt Nam đã xảy ra 3 làn sóng dịch Covid-19, chúng ta đã có y bác sĩ mắc Covid-19 nhưng may mắn không có ca tử vong. Cán bộ y tế đã được cung cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ, hướng dẫn sử dụng đúng. Vì vậy, chúng ta đã hạn chế tối đa số cán bộ y tế mắc Covid-19.
Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19 những mũi đầu tiên. Việc tiêm cho các y bác sĩ tuyến đấu vừa giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân cho họ. Vắc xin là đưa vào cơ thể thì sẽ xảy ra những phản ứng phụ. Vắc xin Covid-19 lại càng mới, do đó, tiêm tại bệnh viện với đầy đủ các phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý những tình huống phản vệ xấu nhất có thể xảy ra.
Dưới đây là 1 số hình ảnh tiêm chủng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: