+
Aa
-
like
comment

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: 2 năm nữa, người dân ĐBSCL có đủ nước sinh hoạt

16/05/2020 20:30

Bộ NN-PTNT đang bàn với các định chế tài chính quốc tế để có nguồn vốn vay đầu tư cho các công trình nước sạch sinh hoạt, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mục tiêu trong 2 năm tới sẽ giải quyết đứt điểm tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân ĐBSCL /// Ảnh Văn Giang
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mục tiêu trong 2 năm tới sẽ giải quyết đứt điểm tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân ĐBSCL.

Nước về 350 tỉ m3 chỉ dùng 20 tỉ m3… vẫn thiếu nước.

Chỉ đạo tại hội nghị về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chiều 15.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thiếu nước sinh hoạt của người dân các tỉnh ĐBSCL, bởi đây là vấn đề đã kéo dài trong nhiều năm nay. Người đứng đầu Chính phủ đặt ra yêu cầu, công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cần chủ động ở từng địa phương, địa bàn và không để câu chuyện người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt xảy ra hàng năm.

Trước đó, trao đổi với báo chí trong ngày 14.5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đã phân tích chỉ rõ những nghịch lý về nước tại ĐBSCL và cho hay trước mắt sẽ ưu tiên giải quyết nhu cầu nước ngọt sinh hoạt cho người dân vào mùa hạn hán, xâm nhập mặn. Theo ông Hiệp, trữ lượng nguồn nước về ĐBSCL trong 1 năm khoảng 350 tỉ m3 (trong đó 2/3 là từ nước ngoài về) và ĐBCSL chỉ dùng hết 20 tỉ m3, nhưng lại để xảy ra tình trạng thiếu nước. Đây là một sự vô lý cần phải có giải pháp khắc phục.

Theo ông Hiệp, nguyên nhân thiếu nước, thứ nhất do thời tiết năm nay cực đoan, thượng nguồn sông Mê Kông không có mưa, các nước thượng nguồn sông Mê Kông cũng bị hạn như ĐBSCL. Thứ hai, là nước biển dâng, năm nay triều cường lên quá cao, nước biển vào sâu và không rút ra được.

Nhưng không phải lúc nào ĐBSCL cũng thiếu nước, thời gian thiếu nước chỉ rơi vào từ tháng 12 năm nay cho đến tháng 4 năm sau. Chính vì thế, cần có giải pháp điều tiết để đảm bảo an ninh nguồn nước cho ĐBSCL trong thời gian này, đặc biệt là cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, theo thống kê hạn hán, xâm nhập mặn năm nay có khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt nhưng do có chuẩn bị tốt từ đầu, đến nay, cơ bản không có hộ dân nào không có nước sạch để sử dụng. Đời sống sinh hoạt có xáo trộn nhưng không quá lớn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đang bàn với một số định chế tài chính nước ngoài, như Ngân hàng thế giới (World Bank) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để có một số nguồn vốn vay, đặc biệt là tập trung vào nguồn nước sạch cho ĐBSCL để trong vòng 2 năm tới giải quyết được câu chuyện thiếu nước sinh hoạt”, ông Hiệp nói.

Đến năm 2025 sẽ không còn hạn hán, xâm nhập mặn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để giải quyết dứt điểm hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL phải kết hợp đồng bộ 2 giải pháp công trình và phi công trình trong ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, ở giải pháp công trình, vừa qua, Bộ NN-PTNT sớm đưa vào vận hành một số công trình điều tiết mặn ngọt, kết quả cho thấy đã có 300.000 ha lúa được điều tiết thành công. Nếu như không có các công trình này thì sẽ có hàng trăm nghìn héc ta lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Khi có các công trình điều tiết này thì nước mặn, nước lợ cũng là nguồn tài nguyên chứ không chỉ nước ngọt.

Ở giải pháp phi công trình, nhiều tỉnh đã đắp đập tạm để trữ nước ngọt. Điển hình tại Kiên Giang, địa phương này đã đắp 197 đập tạm trữ nước ngọt để sản xuất và phục vụ nước sinh hoạt. Chính vì thế, Kiên Giang cơ bản không có hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt. Nhưng để giải quyết căn cơ thì cần có những công trình vĩnh cửu chứ không thể cứ đắp đập tạm mãi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT đang đầu tư 11 hệ thống công trình thuỷ lợi tại ĐBSCL. Đến nay có 5 công trình đã đưa vào sử dụng, sớm trước tiến độ từ 5 – 14 tháng. Các công trình còn lại đang được đầu tư và đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là hệ thống Cái Lớn – Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ Hậu Giang và một phần của Kiên Giang, Cà Mau. Những công trình này khi phát huy hiệu quả đầy đủ sẽ tác động đến khoảng 1 triệu ha lúa và cây ăn trái, cùng với đó vùng nuôi trồng thuỷ sản cũng sẽ được điều tiết.

Pha loãng nước mặn để nuôi tôm!

“Ở nhiều vùng ĐBSCL, nuôi tôm là thế mạnh nhưng người dân chỉ nuôi được một mùa, còn lại do nước mặn quá không nuôi được tôm. Nếu có các công trình điều tiết sử dụng nước ngọt để pha loãng nước mặn thì người dân có thể nuôi tôm thêm một vụ nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Chia sẻ về kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, ông Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT đang bàn với các tỉnh để tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực, góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

“Các hệ thống liên tỉnh mà chúng tôi đầu tư sẽ nhắm đến mục tiêu điều tiết các nguồn nước để làm thế nào cố gắng đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Còn xa hơn là chúng tôi phấn đấu đến năm 2030 là giải quyết được câu chuyện này. Dự kiến ngân sách nhà nước bỏ ra khoảng 30.000 tỉ đồng”, ông Hiệp chia sẻ.

Phan Hậu/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều