Thứ trưởng Bộ NNPTNT: 10 năm nữa, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ vào nhóm tiên tiến trong khu vực
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, do đó cần có đổi mới toàn diện.
Mới đây, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.
Phê duyệt 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược
Chiến lược phát triển Chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520 ngày 06/10/2020.
Trong đó, nội dung Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 nhằm mục tiêu phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi.
Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Trên quan điểm và mục tiêu đó, Chiến lược đã đưa ra 10 giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Kèm theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg, Thủ tướng đã phê duyệt 05 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Tạo đột phá toàn diện
Cả nước đang có trên dưới 10 triệu hộ nông dân đang gắn bó mật thiết với ngành chăn nuôi. Lĩnh vực này tạo ra sinh kế thường nhật cho bà con, bằng chứng chỉ riêng chăn nuôi lợn đã thu hút đến 2,4 triệu hộ tham gia.
Nhận định về tình hình chăn nuôi năm 2020, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngành nông nghiệp vẫn tạo được sự bứt phá ngoạn mục. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, trong quý 3/2020 tốc độ tăng trưởng đạt 9,67%, qua đó đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung của toàn ngành”.
Trên thực tế, trước thềm Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 Thường trực Chính phủ đã có Dự thảo văn bản gửi Bộ Chính trị khẳng định: Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, trụ cột của nền kinh tế. Dù vậy để phát triển theo hướng bền vững và đáp ứng được nhu cầu của số đông, chắc chắn phải tạo bước chuyển mình mang tính toàn diện.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để làm tốt, hiệu quả, đòi hỏi phải triển khai quyết liệt, phải lao động nghiêm túc.
Mục tiêu chung của chiến lược là phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Đến năm 2030, đưa ngành sản xuất chăn nuôi nước ta vào nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định phải hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển (đất đai; tài chính và tín dụng; thương mại; khuyến nông và thông tin tuyên truyền).
Đồng thời kết hợp nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm…
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y…
Đặc biệt là chấm dứt ngay tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh…
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị một số bộ ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo 5 đề án lớn, xuyên suốt của ngành chăn nuôi, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện Quyết định của Thủ tướng đi đúng hướng và có hiệu quả.
Chiến lược phát triển chăn nuôi xác định các mục tiêu cụ thể: Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3-4%/năm.
Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0-5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63-65%, thịt gia cầm từ 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8-10%; đến năm 2030 đạt từ 6,0-6,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 59-61%, thịt gia cầm từ 29-31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10-11%.
Trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20-25% thịt và trứng gia cầm.
Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.
PV/DV