+
Aa
-
like
comment

Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì về lý do rút đề nghị ngừng xuất khẩu gạo?

Thành Nhân - 25/03/2020 14:45

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, do các địa phương và doanh nghiệp lo ngại có sự “vênh” về số liệu gạo dự trữ trong dân và doanh nghiệp nên bộ đã xin rút đề xuất ngừng xuất khẩu gạo.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh /// Ảnh Chí Hiếu
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh

Sáng nay, 25.3, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí và trả lời Thanh Niên một số câu hỏi xung quanh kiến nghị khẩn của Bộ Công thương lên Thủ tướng hôm qua, về việc cho phép hoãn áp dụng việc dừng xuất khẩu gạo.

Vì sao Bộ Công thương kiến nghị hoãn áp dụng dừng xuất khẩu gạo dù trước đó 1 ngày chính Bộ đã có đề xuất này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trước đó, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số phương án, trong đó có đưa ra kịch bản là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và phương án 2 là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.

Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công thương có được với số liệu thực tế họ có.

Việc Bộ đưa ra các phương án là dựa trên số liệu nắm được. Nhưng thực tế chúng tôi không có công cụ mà điều hành dựa trên số liệu từ Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội…

Như vậy, thực tế số lượng tồn kho gạo lớn hơn những gì Bộ nắm được?

Trước đây, lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng hay gạo tồn kho chúng tôi nắm rất chắc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107 thì chúng tôi không còn công cụ quản lý số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho, nên xuất hiện độ vênh số liệu.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp và các địa phương, chúng tôi ngay lập tức báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, hợp đồng đã ký kết rồi sau đó quyết định có nên ngừng xuất khẩu hay không.

Dự kiến khi nào có kết quả số liệu chính thức để đưa ra được phương án, thưa ông?

Chúng tôi đã báo cáo lại, bây giờ còn chờ Thủ tướng quyết định. Nếu Thủ tướng đồng ý phương án đó chúng tôi sẽ ngay lập tức làm việc với các doanh nghiệp, UBND các tỉnh.

Một số doanh nghiệp cho biết xuất khẩu trong tháng 3 không lớn như dự báo, thậm chí chững lại. Giờ chưa hết tháng 3 nên chúng tôi chưa có số liệu từ các cơ quan khác. Một số tỉnh khác cũng cho biết số lượng tồn kho lớn hơn ở trong dân.

Trước đó, khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đánh giá tác động của việc dừng xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp hay chưa?

Khi chúng tôi đưa ra một số phương án, trong đó có tạm giãn hoặc có chế độ giấy phép để kiểm soát tốc độ xuất khẩu thì đều đã tính toán. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất. Đối với doanh nghiệp, nếu phải tạm ngừng thì không phải là huỷ hợp đồng mà do trường hợp bất khả kháng.

Chúng tôi cũng tính đến việc làm việc với ngân hàng giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp. Biết là doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng phải đặt mục tiêu an ninh lương thực là cao nhất.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định cần thời gian để xác minh lại số liệu – Ảnh: NGỌC AN

Doanh nghiệp gạo bức xúc

Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), tỏ ra bức xúc trước việc đột ngột “cấm” xuất khẩu gạo.

“Thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi không kịp trở tay. Hàng hóa đã đóng bao, in nhãn mác, đóng container đưa ra cảng chuẩn bị xuất khẩu rồi nằm đó thiệt hại ai chịu trách nhiệm. Hợp đồng đã ký với đối tác giờ không thể giao được phải đền bù, ảnh hưởng đến uy tín ai chịu trách nhiệm. Giá lúa ngay lập tức đã giảm xuống sau lệnh cấm xuất khẩu gạo, thiệt hại chính là người nông dân. Việt Nam không thiếu gạo xuất khẩu, lẽ ra nhân cơ hội thế giới đang cần thì phải khuyến khích xuất khẩu với giá cao”, ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo chưa khảo sát tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Bài học cấm xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn đó, chúng ta lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao mà còn bị ảnh hưởng uy tín trong xuất khẩu các năm tiếp theo”, ông Bình nói.

Theo ông Vũ Duy Hải – tổng giám đốc Công ty Vinacam, quyết định ngưng xuất khẩu gạo là quá đột ngột và không dựa vào những thông tin về mùa vụ và đánh giá cơ hội xuất khẩu của gạo Việt Nam khiến doanh nghiệp không thể trở tay kịp với “lệnh cấm” này khi hợp đồng đã ký và nguy cơ đền hợp đồng là rất lớn.

Ông Hải phân tích trong thời gian qua có hiện tượng gạo trong nước hút hàng bởi tâm lý lo lắng của người dân vì dịch bệnh. Theo đó, nhiều người tăng mua gạo để dự trữ trong nhà dẫn đến siêu thị hết hàng và đẩy mạnh mua từ các nhà cung cấp gạo.

“Nhưng dân mua nhiều thì gạo chỉ chuyển từ kho nhà máy vào nhà dân chứ gạo không mất đi. Người dân cũng không thể tăng tiêu thụ gạo lên gấp đôi ngày thường được do đó trong 5-6 tháng tới gạo sẽ giảm giá”, ông Hải nói.

Đối với xuất khẩu, ông Hải cho rằng Bộ NN&PTNT cho biết Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay. ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân là nguồn cung quan trọng nhất của cả năm.

Người dân thời gian qua bị thiệt hại nặng nề do giá cả nông sản giảm sút, tình hình hạn mặn nghiêm trọng lẽ ra được bán lúa giá cao thì nay lại khó tiêu thụ nếu như doanh nghiệp ngưng mua vì không thể xuất khẩu.

“Lẽ ra trong bối cảnh hiện tại thì phải khuyến khích xuất khẩu để tăng giá mua lúa cho nông dân. Trong khi đó cần định hướng xuất khẩu gạo giá cao để tận dụng cơ hội thay vì ngưng xuất khẩu”, ông Hải chia sẻ quan điểm.

Theo PGS.TS Trần Tiến Khai (Đại học Kinh tế TP.HCM), quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo không nên đột ngột như vậy với một mặt hàng xuất khẩu quan trọng như lúa gạo.

“Đúng là trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì cần chú trọng an ninh lương thực trong nước nhưng phải dựa trên căn cứ vào số liệu sản xuất, tình hình tiêu thụ, an ninh lương thực và khả năng xuất khẩu. Nếu chưa rõ ràng thì có nhiều hình thức để hạn chế và kiểm soát xuất khẩu để đạt mục giảm xuất khẩu, tăng giá trị mà không cần phải ngưng ngay. Lịch sử đã cho thấy chúng ta đã lỡ cơ hội xuất khẩu gạo giá cao khi cấm xuất khẩu gạo trước đây”.

PV/TN

Bài mới
Đọc nhiều