+
Aa
-
like
comment

Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

16/03/2021 06:38

Hướng Hóa đang trở thành thủ phủ điện gió Việt Nam. Nhà đầu tư đang chạy đua kịp thời hạn hưởng giá ưu đãi. Ăn theo đó cuộc đua tăng giá đòi bền bù cao. Khó tin 1 sào đất đồi ở đây hét giá tới 4 tỷ đồng.

Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng
Một góc công trường điện gió ở Hướng Hóa.

Bạt đồi làm điện gió

Khi bắt tay làm điện gió, các nhà đầu tư đều hiểu rằng việc thi công khó khăn, phức tạp hơn điện mặt trời nhiều. Trong khi đó, hạn chót hưởng giá ưu đãi 2.000 đồng/kWh chỉ còn vài tháng nữa.

Đường vào các xã Hướng Linh, Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị những ngày này xe tải rầm rầm chạy ngày đêm, bụi bay mù mịt.

Phía sau những ngôi nhà sàn thấp thoáng hai bên đường phủ bụi trắng xóa là những cánh quạt gió cao vút. Những ngọn đồi được xẻ để nhường đường cho xe vận chuyển vật liệu, thiết bị vào công trường các dự án điện gió.

Hướng Hóa hôm nay thực sự trở thành thủ phủ điện gió của Quảng Trị. Huyện Hướng Hóa có 22 xã, thị trấn thì một nửa số xã có nhà đầu tư điện gió. Riêng xã Hướng Linh đã có tới hơn 10 dự án. Xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Thành, Tân Liên… đều có các dự án điện gió đang triển khai. Nếu tính cả các dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch thì điện gió phủ kín cả vùng núi non này.

Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng
Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng
Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

Tại dự án điện gió Hướng Tân 2, chiếc xe cẩu 750 tấn đã hoàn thành lắp đặt, chuẩn bị vào vị trí để dựng cột tuabin gió. Dự án này có tổng cộng 22 trụ cột, mỗi trụ 4,2 MW với 300 công nhân làm việc ngày đêm. Gió thổi vù vù.

Đại diện Công ty điện gió Hướng Tân cho biết: “Do tiến độ gấp nên hai tuần nữa, chúng tôi thuê thêm một cẩu 800 tấn. Thời gian để lắp xong một cột dự kiến khoảng một tuần”.

Tuy nhiên, loại cẩu “khổng lồ” này không phải cẩu tự hành nên khi lắp xong một trụ cột sẽ phải tháo ra từng bộ phận để cho lên xe chở đi nơi khác. Đây là điều khác biệt khi thi công điện gió ở những cung đường miền núi này so với những dự án ở đồng bằng. Thời gian vận chuyển đến trụ cột khác, rồi lắp đặt hoàn chỉnh còn nhiều hơn thời gian lắp cột (mất 7-10 ngày).

Khi bắt tay làm điện gió, các nhà đầu tư đều hiểu rằng việc thi công khó khăn, phức tạp hơn điện mặt trời nhiều. Mỗi khi gió to, việc thi công phải dừng lại để đảm bảo an toàn. Nhiều dự án ở phía Nam cũng phải dừng lắp đặt do đang trong mùa gió chướng.

Vì thế, với các dự án ở miền núi này, thời gian thi công khả dĩ nhất là từ nay đến tháng 6/2021, trước mùa mưa bão.

Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

Còn nhiều dự án “đụng” phải rừng nên phải làm thủ tục chuyển đổi. Đây là một trong những vấn đề các chủ đầu tư đánh giá là “phức tạp nhất, lâu nhất”.

Yêu cầu tiên quyết được chủ đầu tư giao cho các nhà thầu là phải hoàn thành trước tháng 11/2021 để hưởng giá ưu đãi 8,35 cent/kWh (gần 2.000 đồng/số điện). Hạn chót ấy sắp đến, nỗi phập phồng lo sợ hiển hiện trên nét mặt của những nhà đầu tư điện gió ở nơi này. Phần lớn dự án mới chỉ hoàn thành thi công móng tuabin, số ít đang triển khai lắp đặt tuabin. Nhiều dự án còn phải chờ tuabin bởi các nhà cung ứng thuộc top 4 thế giới đều đã quá tải đơn hàng. Còn giá thiết bị thì tăng mạnh do cầu vượt cung.

Muốn nhanh cũng khó

Hầu hết các dự án điện gió ở Quảng Trị đều đang vướng giải phóng mặt bằng cho phần trụ cột và đường dây. Nhà đầu tư tính toán: Nếu đến 31/3/2021, chậm nhất 15/4/2021 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng vị trí nào thì coi như việc đầu tư vị trí đó thất bại.

Thủ phủ điện gió số 1 Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng
Giải phóng mặt bằng là nỗi lo của không ít nhà đầu tư

Lo lắng việc giải phóng mặt bằng, ông Võ Duy Tấn, Giám đốc công ty CP điện gió Phong Liệu chia sẻ: “Một số hộ đưa ra yêu sách gấp 4-5 lần giá chúng tôi đang làm. Ví dụ như trụ VT28, diện tích thu hồi vĩnh viễn 360m2 hộ dân yêu cầu thu hồi hết đất với giá bồi thường 4 tỷ đồng”.

Trong cuộc làm việc với các nhà đầu tư năng lượng, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay trên toàn địa bàn Quảng Trị có 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất 1.177 MW. Trong đó, có 25 dự án với công suất hơn 987MW đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư.

Theo tính toán của Sở Công Thương Quảng Trị, trong số 25 dự án được cấp chủ trương đầu tư, dự kiến chỉ có khoảng 16 dự án kịp vận hành trước tháng 11/2021. Các dự án khác dù nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành, nhưng thực sự là “rất khó”.

Số lượng 16 dự án kịp vận hành theo Sở Công Thương vẫn là “quá lạc quan”. Con số khả dĩ nhất được những chuyên gia trong ngành ước lượng từ thực tế thi công có thể vận hành để kịp hưởng giá ưu đãi là 8-10 dự án.

Các dự án vào vận hành cũng phải đối mặt một ám ảnh khác lớn hơn nhiều, tương tự như những gì đã xảy ra với điện mặt trời: Giảm phát.

Lương Bằng/ VNN

Bài mới
Đọc nhiều