Thủ phủ cờ bạc Campuchia lao đao khi người Trung Quốc bỏ đi
Lệnh cấm hồi tháng 8/2019 của Thủ tướng Hun Sen đối với các sòng bạc online khiến Sihanouville, thiên đường cờ bạc của Trung Quốc ở Campuchia, gặp khó khăn lớn về kinh tế.
Vào buổi chiều muộn cuối tuần, các đại lý tụ tập ở DV Casino chờ nhận số tiền công cuối cùng. Trong khi chờ đợi, các công nhân khiêng đồ đạc ra khỏi lối vào phía trước tòa nhà.
Chỉ một ngày trước đó, ban quản lý tuyên bố sòng bạc do Trung Quốc điều hành – mở ra chưa đầy một năm trước – bị đóng cửa vô thời hạn để “bảo trì”. Các nhân viên của sòng bạc nghi ngờ điều này.
“Họ nói rằng họ phải xây dựng một hệ thống nước thải”, một chủ đại lý, ngồi gần những chiếc bàn đánh bạc lắp webcam bỏ trống, nói với Nikkei Asian Review. “Chúng tôi cho rằng họ đóng cửa vì nhiều người Trung Quốc đã về quê”.
DV Casino một ví dụ về cách Sihanoukville, một thành phố phát triển chóng mặt nhờ nguồn lợi từ đồng tệ và cờ bạc trực tuyến, chật vật khi đột ngột mất động cơ tăng trưởng chính.
Thủ phủ casino “ăn lớn” từ cờ bạc online
Các nhà đầu tư bắt đầu đổ xô đến thành phố ven biển vào khoảng năm 2016. Được khuyến khích bởi chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, tiền và nhân lực từ Trung Quốc tràn vào Sihanoukville.
Bắc Kinh đã cam kết hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng tại đây, bao gồm đường cao tốc trị giá 2 tỷ USD nối liền thành phố ven biển với thủ đô Phnom Penh. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các đặc khu kinh tế, cảng và nhà máy điện.
Nhưng bên cạnh các dự án đầu tư là nguồn tiền đầu cơ, phần lớn được chuyển vào sòng bạc, với mức tăng 70% so với năm ngoái. Nhiều người dân địa phương vay mạnh tay để đầu tư vào bất động sản và các doanh nghiệp mọc ra nhằm phục vụ dân lao động từ Trung Quốc.
Chẳng bao lâu, sự bùng nổ đầu tư, chủ yếu dựa vào các casino đã biến điểm đến thành bình của các du khách thành một “công trường xây dựng hỗn loạn”.
Ben Lee, người đứng đầu công ty tư vấn IGamiX có trụ sở tại Macau, Trung Quốc và tìm hiểu về ngành công nghiệp sòng bạc ở Sihanoukville trước lệnh cấm, “thận trọng” ước tính rằng doanh thu của ngành này nằm trong khoảng từ 3,5 tỷ đến 5 tỷ USD/năm. Trong đó, Lee ước tính, 90% đến từ cờ bạc trực tuyến.
“Thứ nuôi sống các sòng bạc thực sự chính là mảng sòng bạc trực tuyến. Chúng tạo ra nguồn thu nhập lớn”, ông Lee nói. Theo người này, trước lệnh cấm, có khoảng 200 sòng bài trực tuyến hoạt động với hơn 200.000 nhân viên.
Hồi tháng 8/2019, Thủ tướng Campuchia – ông Hun Sen – bất ngờ tuyên bố nước này sẽ hình sự hóa việc đánh bạc trực tuyến, đánh dấu sự lao dốc của đế chế casino.
Bốn trong 72 sòng bạc khắp thành phố SIhanoukville bị đóng cửa và 23 sòng bạc sa thải nhân viên, khiến hơn 7.000 người bị ảnh hưởng, tờ Nikkei Asian Review trích lời các quan chức Bộ Lao động nước này.
Quyết định đóng cửa ngành công nghiệp sinh lợi được xem là kết quả của những áp lực từ Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc giờ đây coi Sihanoukville như thiên đường với những trang web đánh bạc nhằm vào người chơi ở Trung Quốc đại lục, đồng thời là trung tâm của các băng nhóm rửa tiền, băng đảng tội phạm và hành vi lừa đảo qua mạng.
Hiệu quả của lệnh cấm trong việc đối phó với các nhóm tội phạm còn để ngỏ. Nước láng giềng trong khu vực là Philippines cũng đang vật lộn với tội phạm liên quan đến cờ bạc trực tuyến, mặc dù Manila hiện đã tránh áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngành công nghiệp này bất chấp áp lực của Bắc Kinh.
Đối với Campuchia, dù thế nào, bài học nhãn tiền cũng đã rõ ràng: phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc có thể là một canh bài rủi ro.
Dân Sihanoukville chật vật “tự lực cánh sinh”
Trong những tuần đầu sau thông báo của ông Hun Sen, hàng nghìn công nhân Trung Quốc đã rời khỏi Sihanoukville, bỏ lại nơi đây nhiều dự án dở dang, những nhà đầu tư địa phương ngập trong nợ nần, các cơ sở hạ tầng hỏng hóc và khiến hàng loạt doanh nghiệp bị đóng cửa.
Truyền thông địa phương trích dẫn con số hơn 100.000 người rời khỏi thành phố sau lệnh cấm. Theo khảo sát của Liên đoàn các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sihanouk, kể từ tháng 8/2019, gần 800 nhà hàng đã đóng cửa, trong khi đơn đặt hàng hàng ngày đã giảm hơn 80%.
Thu nhập hàng ngày của các nhà hàng đã giảm từ mức trung bình 1.500 USD xuống còn 200 USD, trong khi thu nhập hàng tháng từ việc giao thực phẩm giảm từ 3.000 USD xuống còn 800 USD.
Khu vực bất động sản “nóng” một thời của thành phố này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ty Sothear, 22 tuổi, công nhân xây dựng tại Sihanoukville cảm thấy lo âu về tương lai của mình.
“Nếu tôi không thể tìm việc trong vài ngày tới, tôi sẽ về nhà”, Sothear nói với tờ Nikkei Asian Review trong khi chỉ những công trình bê tông của vài dự án bị đình trệ gần đó. “Tất cả đều mắc kẹt ở đây”, anh nói.
James Hodge, Giám đốc công ty tư vấn bất động sản CBRE Campuchia, cho biết những dự án lớn vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên các dự án vừa và nhỏ đã giảm quy mô hoặc ngừng xây dựng.
“Nhiều người bán hiện đang ngồi đợi và kiên nhẫn giữ đất của mình cho đến khi giá tăng một lần nữa,” Hodge nói. Điều này đã khiến thị trường ổn định trở lại sau những lần xuống giá ban đầu.
Tác động lớn nhất, ông Hodge nói, là trên thị trường cho thuê, với giá thuê đất thương mại giảm khoảng 30% và giá khách sạn giảm tới 50%, gần như trở lại mức trước thời kỳ bùng nổ kinh tế.
Mặc dù kinh tế suy giảm rõ ràng sau lệnh cấm, Im Heang, Giám đốc điều hành Bất động sản Khmer, cho rằng nguyên nhân thực sự có thể đến từ vụ tai nạn sập tòa nhà đang thi công hồi tháng 6/2019 tại Sihanoukville, khiến 28 công nhân thiệt mạng. Thảm kịch đã khiến các cơ quan chức năng xem xét các dự án, áp dụng mạnh hơn các tiêu chuẩn an toàn và thậm chí đóng cửa nhiều điểm thi công.
Với nhiều người dân ở Sihanoukville, lệnh cấm đã giáng cú đòn quyết định vào kinh tế địa phương.
Nhiều người đã vay các khoản vay lớn để xây dựng nhà ở cho công nhân Trung Quốc thuê, hoặc mở doanh nghiệp để phục vụ cho nhu cầu gia tăng. “Đó là những khoản đầu tư sinh lời cao nhưng cũng có rủi ro cao”, Heang nói.
Người cha của hai đứa con – với vợ đang mang thai – hiện đã bán dàn xe của mình với giá thấp hơn và ngôi nhà gia đình mình với hy vọng trả hết tiền vay. “Trong bốn tháng, tôi đã giảm khoảng 9 kg.”
Giáo viên Leang Sophanna đã vay một nửa trong khoản tiền 600.000 USD mà ông sử dụng để xây dựng một căn chung cư 20 phòng tại Sihanoukville. Một người quản lý sòng bạc đã thuê tòa nhà với giá 18.500 USD/tháng trước khi đột ngột rời đi sau khi lệnh cấm được công bố.
Không thể tìm được người thuê nhà mới, Sophanna cho biết anh phải tăng ca dạy học để trả nợ. Những người khác còn gặp tình trạng tội tệ hơn, ông nói.
“Nhiều người phải rơi nước mắt vì vay tiền từ ngân hàng”, ông Sophanna nói và cho biết thêm rằng nhiều khả năng các cư dân ở đây sẽ bắt đầu “bán tống bán tháo” trong những tháng tới. “Đây là một vấn đề rất lớn.”
“Dưới lớp bọt bia thì luôn có bia”
Bất chấp gánh nặng nợ nần, nhiều người vay tiền vẫn lạc quan về tương lai của thành phố, hy vọng nó có thể tăng trưởng bền vững hơn, kể cả chậm.
Vann Thy, nhân viên một nhà đầu tư Hong Kong, một người cũng xây nhà cho thuê dành cho những công nhân Trung Quốc hiện đang rời đi, cho rằng thành phố này vẫn có vị thế tốt, trong khi lệnh cấm sẽ mang lại lợi ích về lâu dài. “Sihanoukville có thể trở thành một thành phố hiện đại của Campuchia,” ông nói.
“Đó là một khu vực kinh tế đa dạng. Chúng tôi không chỉ phụ thuộc vào một loại hình kinh doanh mà còn có có tàu, sân bay, cảng biển, những hòn đảo và khu kinh tế đặc biệt rất đẹp. Nếu chính phủ cố gắng thay đổi toàn diện, Sihanoukville sẽ đầy hứa hẹn”.
Nhiều công nhân và doanh nhân Trung Quốc đang bám trụ lại thành phố này có cùng sự lạc quan. Ye Jiankang đã quyết định mở một quán mì trong trung tâm thương mại mới.
Như nhiều người đồng hương chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review, Ye cho rằng những dự án đầu tư Vành đai Con đường của Trung Quốc tại là lý do để họ tiếp tục hi vọng.
“Chúng tôi sẽ ở lại và tìm cách xoay xở”, Ye nói và cho biết thêm rằng anh họ của người này đã đồng ý tới đây làm ăn cùng. “Cuộc sống ở Trung Quốc khó khăn lắm. Ngay cả khi kinh tế ổn định, nó cũng không đủ năng động”.
Nền kinh tế dựa vào đồng USD và sự kiểm soát vốn lỏng lẻo ở Campuchia cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh ở Sihanoukville.
“Chúng tôi tưởng tượng Sihanoukville có vàng ở mọi ngóc ngách”, Yang, chủ một nhà máy mạ điện Trung Quốc tại đây cho biết. Nhiều năm trước, Yang cùng nhiều người Trung Quốc chuyển đến đây tìm cơ hội kinh doanh khi các doanh nghiệp của họ ở Trung Quốc làm ăn thua lỗ. Mặc dù Sihanoukville giờ giống như một công trường ngổn ngang, ông Yang quyết định ở lại.
“Người dân Trung Quốc rất kiên cường. Chúng tôi quyết định ở lại vì dưới lớp bong bóng bọt bia thì luôn có bia”.
Chính phủ Campuchia mới đây, với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, đã chi gần 300 triệu USD để cải tạo lại đường sá ở Sihanoukville. Hàng triệu USD khác cũng được cam kết dùng để cải thiện hệ thống thoát nước yếu kém, vốn không ngăn được trận lụt khủng khiếp trong mùa mưa năm ngoái.
Trong khi đó, thủ tướng Hun Sen cũng công bố kế hoạch phát triển các Đặc khu kinh tế mới, và cho biết khu Preah Sihanouk – khu vực hành chính ven biển xung quanh Sihanoukville – sẽ trở thành một khu công nghiệp đa năng.
Với việc Sihanoukville được chọn để tổ chức hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2022, chính phủ nước này cho rằng những tháng tới sẽ rất quan trọng trong việc đưa thị trấn ven biển đang bùng nổ kinh tế đi đúng hướng.
Khi được tờ Nikkei Asian Review hỏi về tình trạng của thành phố trong ột sự kiện gần đây, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng thừa nhận rằng các nhà chức trách đang ở thế khó.
“Khi có quá nhiều người Trung Quốc tới, chính phủ chịu áp lực và khi người Trung Quốc về nước, chính phủ cũng không tránh khỏi áp lực”, ông nói.
“Nhưng giờ đây, chúng tôi đang nỗ lực kiểm soát an ninh trật tự cũng như sự phát triển của tỉnh.”
Hồng Anh (Theo Nikkei Asian Review)