Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam nên hay không nên?
Sống trong thời đại 4.0, môi trường sống luôn là đề tài nóng, thậm chí rất nóng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong buổi thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng 11.6, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã dành nhiều thời gian để giải trình một số vấn đề ĐBQH quan tâm trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường vừa trình Quốc hội tại kỳ họp 9 lần này. Trong đó Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật cũng xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”.
Sau phát biểu của Ông Hà dư luận xã hội dậy sóng, nhiều người đồng tình với dự luật nhưng cũng có một làn sóng không ít người phản đối và cho rằng đây là dự luật phi thực tế.
Theo quan điểm của một số chuyên gia thì trước khi đồng thuận hay phản đổi một vấn đề gì liên quan đến môi trường sống trước hết chúng ta nên tìm hiểu kĩ để hiểu vấn đề khi được các nhà chức trách đề xuất rồi hãy phát biểu phản biện. Có như vậy ý kiến của dư luận mới được đa số người dân lắng nghe và khi đã hiểu thì hoặc là phản đối hoặc chấp hành một cách tự giác.
Theo thống kê của Bright Side (kênh YouTube về khoa học và giáo dục được sáng lập bởi công ty truyền thông Sip TheSoul Publishing) thì mỗi người có thể đưa đến 64 tấn rác đến bãi rác trong suốt cuộc đời. Hàng năm, riêng nước Mỹ tạo ra 246 triệu tấn chất thải rắn. Người Mỹ tiêu thụ 11 triệu tấn chai thủy tinh mỗi năm. Con số này gấp 440 lần trọng lượng của con tàu Titanic. Mỗi giây, 694 chai nhựa bị vứt bỏ, và con số lên đến 60 triệu một ngày. Mỗi ngày, 100 triệu lon thép và nhôm bị vứt bỏ. Số tiền đó đủ để xây dựng một thành phố. Riêng nước Mỹ tạo ra khoảng 220 triệu tấn rác mỗi năm. Điều này tương đương với chôn vùi 82.000 sân bóng đá sâu 2.13 mét trong thùng rác. Trong đó, các nước phát triển chịu trách nhiệm hơn 50% rác thải của thế giới. Hiện tại chưa có tổ chức nào thống kế số liệu chính xác về số lượng rác của toàn bộ hành tinh. Tuy nhiên, nếu xem xét dân số Mỹ chiếm khoảng 4% dân số thế giới, điều này tương đương với số lượng rác thải hàng năm của toàn bộ hành tinh lên tới 4 hoặc 5 tỷ tấn mỗi năm.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học mỗi loại rác có thời gian phân hủy khác nhau. Nhưng cùng được đưa đến một bãi rác. Những bãi rác này chính là nguồn phát thái khí metan rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của loài người.
Theo các nhà khoa học, trong hỗn độn đống rác mà loài người thải ra thì rác dạng nhựa là thứ cần thời gian phân hủy lâu nhất, các sản phẩm nhựa tùy theo từng loại cần đến từ 10-1000 năm để phân hủy tại các bãi rác. Các sản phẩm dùng một lần như tã lót mất khoảng từ 250-500 năm để phân hủy. Các sản phẩm chế tạo từ nhôm cũng mất từ 80-200 năm tùy từng loại để phân hủy tại các bãi rác. Các sản phẩm thủy tinh rất dễ tái chế, nó có thể xử lý ở môi trường nhiệt độ không cao nhưng lại rất khó tự phân hủy khi nằm tại những bãi rác. Ngoài ra giấy vụn, chất thải thực phẩm là loại dễ phân hủy nhưng luôn bị người dân để lẫn lộn trong các loại rác thải khác. Đặc biệt trong đống rác thải hàng ngày trên toàn thế giới còn có những sản phẩm không phân hủy sinh học được người dân để lẫn lộn trong đống rác sinh hoạt như: các loại xốp, giấy thiếc…
Đứng trước tình hình rác thái khủng khiếp như hiện nay, các nhà khoa học xác định rác do con người tạo ra đang là tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người. Lượng rác nhiều nếu không được quản lý xử lý tốt còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến tình trạng biến đổi khí hậu. Vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia là cần có những bộ luật nhằm bảo vệ môi trường sống, trong đó có những quy định bắt buộc người dân phải chấp hành các vấn đề về thu gom và xử lí rác thải, nước thải sinh hoạt. Việc phân loại rác thải sinh hoạt trong các hộ dân đã được nhiều nước áp dụng. Việc phân loại rác tại các hộ gia đình tuy là việc nhỏ nhưng lại mang lại ý nghĩa rất lớn, nhưng rất khó thực hiện. Bởi nó đòi hỏi tinh thần tự giác của người dân rất cao. Để làm được việc này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những đợt vận động tuyên truyền thường xuyên liên tục để người dân hiểu và ý thức được rằng việc phân loại rác thải tại gia đang thực sự là những đóng góp rất tốt cho xã hội trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống.
Ở Việt Nam gần đây chiến dịch vận động người dân tự phân loại rác thải đã được tuyên truyền vận động rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Những hành động thực tế đã được thực hiện thông qua những thùng tác công cộng có ghi rõ nơi chưa rác hữu cơ, vô cơ. Tuy nhiên người dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ và sự hướng dẫn cho từng hộ gia đình. Phân loại rác là việc làm đơn giản tại các hộ gia đình nhưng rất khó thực hiện nên vì thế mà kết quả thực hiện đạt kết quả rất thấp. Hiện nay tại một số nước tiên tiến, việc thu phí rác thải theo kilogam đã được thực hiện. Tuy nhiên để đạt được vấn đề thu phí rác thải theo kilogam, các nước này đã trải qua một quá trình rất lâu dài và đồng bộ như: giảm hẳn việc sản xuất và các vật dụng liên quan đến vật thải rắn khó phân hủy. Tăng cường sản xuất các sản phẩm bao gói bằng vật liệu dễ tiêu hủy thay thế nilong. Vừa tuyên truyền vừa khuyên khích hỗ trợ người dân phương tiện chứa đựng để tự phân loại rác tại gia. Khi dân đã tự giác chấp hành và có thói quen tự phân loại rác, khi đó mới tiến hành các bước tiếp theo là thu phí đổ rác sinh hoạt theo kilogam.
Với Việt Nam, người dân không phải là không chấp hành hay phản đối việc thu phí rác sinh hoạt theo kg mà phản đối những vấn đề mà nhà nước đưa ra chưa đủ cơ sở để thực hiện. Ví dụ như chưa thấy có những chính sách khuyến khích những gia đình tự phân loại và những gia đình chưa chịu phân loại rác. Thu phí theo kg thì thu như thế nào, ai cân và các hộ dân được đổ rác bao nhiêu lần.
Nhân dân luôn ủng hộ những quy định bảo vệ môi trường do Chính phủ đề ra, và ủng hộ chính sách thu phí rác sinh hoạt theo kg nhưng nhân dân cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những chính sách đưa ra đúng thời điểm, phù hợp với thực tế. Những quy định đưa ra phải rõ ràng, sát với thực tế cuộc sống để người dân khi thực hiện không gặp bất kì một khó khăn nào về thời gian, về cách cân đo rác thải.
Khi mọi chính sách mà Chính phủ đưa ra hợp lòng dân phục vụ lợi ích và môi trường sống của nhân dân thì chẳng có lý do gì mà nhân dân không thực hiện. Chỉ mong sao Chính phủ cần nâng lên đặt xuống một cách thận trọng khi ban hành các chính sách có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Đỗ Mạnh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)